Từ cái trứng đến một con người – phần 6

“Chính vai trò tinh trùng của người chồng là yếu tố quyết định. Vậy mà trong cuộc đời, nhiều đức ông chồng cứ dằn vặt, đổ lỗi cho vợ mình là “dốt”, không biết đẻ con trai”.

6. CUỘC ĐỜI BAN ĐẦU

Các bạn thân mến!
Tôi lại xin kể về cuộc đời tôi sau khi đã cùng người bạn đời hoà nhập với nhau làm một.
Xin các bạn nhớ cho là từ nay, người nói chuyện với các bạn không phải chỉ là một mình Trứng tôi nữa mà trong tôi đã có thêm người bạn đời của mình. Anh ấy hiền lành ít nói, vì thế tôi xin thay mặt anh ấy kể chuyện cùng các bạn, chỉ mong các bạn hiểu cho chứ “tôi” ở đây gồm cả Trứng tôi và anh ấy.
Sau khi thâm nhập được vào tôi, cái nhân ở đầu anh ấy to lên. Các TNS trong nhân cũng bắt đầu chuyển động. Về phần cơ thể tôi cũng có diễn biến tương tự. Các TNS của hai chúng tôi di chuyển dần ra giữa, xếp vòng tròn quanh cơ thể tôi. Như vậy, lúc này trong tôi lại có 46 TNS, gồm 23 cặp. Trong mỗi cặp có một TNS của tôi và một TNS tương tự của anh ấy. Cặp TNS giới tình là XY. Chính cặp TNS này quyết định hướng phát triển của tôi và cả đời tôi sau này: trở thành một người con trai.
Đến đây, các bạn lại thấy một yếu tố mới trong cái “tôi”. Người nói chuyện với các bạn bây giờ không là “nữ” nữa. Nhiều người, ngay cả các thầy thuốc, các nhà bác học thời xưa khi chưa biết rõ điều này, nghiên cứu phôi thai còn non thấy bộ phận sinh dục của cả hai giới nam và nữ cùng xuất phát từ các mầm sinh dục giống nhau đã nghĩ rằng có thể tác động lên phôi hướng mầm sinh dục đó phát triển thành gái hay trai theo ý muốn. Ngay bây giờ, vẫn có người tin rằng khi đã có thai, uống thứ thuốc này sẽ đẻ con trai, uống thứ khác sẽ sinh con gái. Điều đó rõ ràng không đúng. Việc quyết định giới tính của một con người đã được định sẵn ngay khi loại tinh trùng là Y hay X thụ tinh với trứng. Chính vai trò tinh trùng của người chồng là yếu tố quyết định. Vậy mà trong cuộc đời, nhiều đức ông chồng cứ dằn vặt, đổ lỗi cho vợ mình là “dốt”, không biết đẻ con trai. Nếu hiểu biết như trên, chúng ta có thể phân xử ai dốt hơn ai (nếu thực sự như vậy) trong chuyện này.

Tôi lại mắc khuyết điểm để dông dài, không đi đúng vào câu chuyện đời mình, mong các bạn thứ lỗi.
Từ 46 TNS ban đầu trong cơ thể tôi, chúng bắt đầu nhân ra mỗi thể thành hai giống hệt như nó, rồi các TNS ấy chia thành hai nhóm như nhau di chuyển dần về hai cực của cơ thể tôi. Khoảng 12 đến 24 giờ sau khi thụ tinh, cơ thể tôi thắt lại rồi đứt ra thành hai tế bào, mỗi thế bào có một nhân trong đó chứa bộ TNS 44 XY. Hai tế bào đầu tiên của con người đã xuất hiện như vậy đấy! Cũng như vậy, hai tế bào đầu tiên này lại sinh thành 4 và đến lần phân chia thứ ba, cơ thể tôi đã có 8 tế bào.

Trong hai lần phân chia đầu tiên, bốn tế bào đều có kích thước tương tự. Nhưng từ lần phân chia thứ ba, 8 tế bào hình thành đã có sự khác biệt: 4 tế bào thuộc dòng to, 4 tế bào còn lại thuộc dòng nhỏ. Các tế bào này lại tiếp tục phân chia, nhưng dòng nào sẽ sinh ra tế bào dòng đó, có điều lúc đầu mức sinh sản của tế bào dòng nhỏ nhanh hơn. Để các bạn khỏi thắc mắc, tôi xin nói luôn là trong tương lai, các tế bào dòng to sẽ tạo nên thai, còn dòng tế bào nhỏ thì tạo nên các phần phụ của thai là rau và màng rau (hay màng ối).

Trong khi sinh sản bằng cách tự chia nhỏ thành nhiều tế bào như vậy, cơ thể tôi hầu như không lớn lên thêm và vẫn được ống dẫn trứng đẩy dần về phía dạ con. Tôi có may mắn là ống dẫn trứng của mẹ tôi thoáng đãng, trơn tru, không có một trở ngại nào.
Nhân đây tôi cũng trình bày để các bạn biết là trong trường hợp nào đó do đường đi bị tắc nghẽn, ví dụ do ống dẫn trứng bị viêm nhiễm từ trước hoặc do ống này bị gấp, quặt lại hoặc quá nhỏ bé thì trứng đã được thụ tinh có thể bị mắc kẹt giữa đường, không di chuyển được nữa và sẽ phát triển tại chỗ, gây nên chửa ngoài dạ con, nói chính xác hơn là chửa tại ống dẫn trứng (hình 15). Phôi thai khi ấy cứ lớn lên làm ống dẫn trứng căng giãn ra, đến một lúc nào đó sẽ bị vỡ bung, gây chảy máu dữ dội trong bụng, dễ làm chết người có thai kiểu này nếu không được phát hiện kịp thời và mổ để cầm máu.
Các bạn sẽ hỏi trong thời gian di chuyển như thế, bản thân chúng tôi sống bằng gì. Xin thưa, trên đường đi, tôi sống bằng chất dự trữ có sẵn trong Trứng tôi. Ở các loài đẻ trứng không có quá trình nuôi thai trong bụng như gà, chim thì lượng dự trữ để nuôi phôi từ khi thụ tinh đến lúc nở chính là phần lớn cái lòng đỏ của nó. Vì cơ thể tôi quá bé nên chất dự trữ không nhiều, sau một thời gian, sử dụng hết, tôi sống nhờ các chất dinh dưỡng có trong dịch tiết từ các tuyến niêm mạc ngấm trực tiếp vào cơ thể tôi.

Thế là, sau khi thụ tinh khoảng 3 hay 4 ngày, tôi không còn nhớ chính xác nữa, tôi đã vượt hết quãng đường của ống dẫn trứng để đi dần vào ngôi nhà hàng xóm là dạ con. Tại đây, như các bạn đã biết, đã có sự chuẩn bị sẵn sàng chờ đón tôi: lớp niêm mạc dầy lên do các tuyến phát triển mạnh và tiết dịch, cùng với các mạch máu xoắn, tăng sinh sẵn sàng làm nhiệm vụ nuôi tôi. Tuy vậy, để sự “lót ổ” chu đáo hơn, mặt khác cũng để mình có thời gian tự phát triển và lựa chọn nơi làm tổ, tôi vẫn sống “tự do”, chỉ dính vào niêm mạc dạ con. Sau 2 hay 3 ngày sống tự do tôi mới khởi công “làm tổ”. Tính theo chu kỳ kinh của mẹ tôi thì lúc này vào khoảng ngày thứ 20 hoặc 21 và cơ thể tôi cũng đã có tới hơn sáu chục tế bào. Tuy vậy, về phía bố mẹ tôi, hai người vẫn chưa hề hay biết gì vì chưa có gì thay đổi ở cơ thể mẹ tôi để gợi cho bà biết mình đã thụ thai cả. Bố mẹ tôi tuy hy vọng nhưng cũng có lúc đã bàn với nhau là nếu chu kỳ này chưa kết quả thì “thua keo này, bày keo khác”. Hai người cũng đã tính đến công việc chuẩn bị cho chu kỳ kinh sau.
Khi mẹ tôi không thấy kinh vào ngày đáng lẽ bà phải có và bắt đầu cảm nhận được sự thay đổi ở cơ thể mình thì tôi đã làm tổ xong được một tuần rồi.
Quá trình làm tổ của tôi ra sao, tôi sẽ kể các bạn nghe nhung bây giờ hãy cho tôi thông báo một tin quan trọng khác đã.
Một điều ngạc nhiên và rất vui mừng khi tôi vào đến ngôi nhà hàng xóm, nếu chú ý nghe chắc bây giờ các bạn cũng có thể đoán được ra. Đó là tôi đã gặp lại người chị em với tôi nhưng sống ở buồng trứng bên kia, cơ thể nom cũng tựa như tôi, cũng đi vào hầu như cùng một lúc, chỉ khác là từ ống dẫn trứng bên đối diện.
Thì ra, trong khi ở ống dẫn trứng bên phải, tôi gặp gỡ các bạn tinh trùng thì ở ống dẫn trứng bên trái, người chị em của tôi sau khi “rụng” cũng gặp các tinh trùng từ phía dưới ngược lên. Các hiện tượng đã xảy ra với tôi ở bên này như thế nào cũng đã diễn ra ở bên kia y như thế. Chỉ có khác là người chị em của tôi đã kết bạn với một “anh” có bộ TNS 23X và bây giờ trong cơ thể cô em tôi cũng có khoảng sáu chục tế bào mang bộ TNS 44XX, tương lai sẽ trở thành con gái và sẽ là em gái thật sự của tôi.

Người ta gọi hai anh em tôi là loại “sinh đôi khác trứng”. Ấy là gọi thế khi chúng tôi đã đẻ ra đời, chứ lúc này nào ai đã biết. Gọi như thế vì chúng tôi được thụ tinh từ hai trứng và hai tinh trùng khác nhau (hình 16).
Sinh đôi khác trứng có thể từ hai trứng ở hai buồng trứng như anh em tôi, cũng có thể cả hai trứng ở cùng với nhau tại một buồng trứng. Hai trứng đó có thể “rụng” cùng một lúc, có thể rụng vào những thời điểm khác nhau, cái trước, cái sau.
Kiểu sinh đôi khác trứng không khác gì cách sinh riêng lẻ từng người một, chỉ khác là hai chúng tôi cùng phát triển trong một thời gian gần như nhau trong dạ con để rồi được đẻ ra trong cùng một ngày, kẻ trước người sau cách nhau khoảng 15 phút đến một giờ. Về mặt di truyền học mà nói, tuy là sinh đôi nhưng chúng tôi có nhiều điểm không giống nhau đâu. Các bạn ngắm kỹ mà xem, tôi có nhiều nét giống bố, còn em tôi nhiều vẻ giống mẹ tôi hơn. Ngay cả nhóm máu chúng tôi cũng khác nhau. Sau khi đẻ, các bác sĩ thử máu cho biết tôi mang nhóm máu B còn em tôi lại nhóm máu A. Chả là bố tôi có nhóm máu AB còn mẹ tôi lại là nhóm máu O mà.

Tôi còn được biết, khi giảng bài cho các sinh viên y khoa, bố tôi có kể trường hợp một người đàn bà trong giai đoạn rụng trứng đã quan hệ với hai người đàn ông, một người da trắng và một người da đen, sau này sinh đôi hai con một đen, một trắng. Tôi nghe lỏm được, nói ra đây để các bạn biết cho vui.
Các bạn cũng đừng tưởng cứ sinh đôi khác trứng thì phải đẻ ra một trai, một gái như trường hợp anh em chúng tôi đâu. Trường hợp anh em sinh đôi như chúng tôi thì chẳng cần bàn cãi, có thể khẳng định là sinh đôi khác trứng. Nhưng trong trường hợp hai trứng đó lại thụ tinh với hai tinh trùng cùng loại Y hoặc X thì hai trẻ sinh đôi sẽ phải cùng một giới. Trong trường hợp này, người ta phải căn cứ vào nhiều dấu hiệu khác qua khám xét bánh rau sau khi sinh mới có thể kết luận được.
Còn một loại sinh đôi khác có tên “sinh đôi cùng trứng” (hình 16). Loại này có đặc điểm là khi thụ tinh vẫn chỉ có một trứng kết hợp với một tinh trùng. Nhưng khi phân chia thành các tế bào của phôi ở giai đoạn sớm, đám tế bào này lại tự chia ra hai nửa, mỗi nửa sẽ phát triển thành một thai riêng. Nếu sự phân đôi này rất sớm thì hai thai sẽ nằm trong hai buồng ối (mặc dầu chúng có chung với nhau một bánh rau). Phân đôi muộn hơn, hai thai sẽ gó những phần chung với nhau, tạo nên thai đôi “dính nhau” . Có loại sinh đôi dính nhau ở ngực, bụng, có loại dính ở lưng. Có trường hợp hai thai dính nhau có đủ bốn tay bốn chân, có trường hợp bốn tay nhưng chỉ có hai chân giống như trường hợp hai bạn sinh đôi dính nhau có tên Việt – Đức đã được mổ tách thành công ở thành phố Hồ Chí Minh năm 1988, gây tiếng vang lớn trong y giới nước ta cũng như nước ngoài.

Trong trường hợp sinh đôi cùng trứng này, chắc các bạn sẽ biết ngay là hai thai phải cùng chung một giới, đều là trai hoặc gái cả. Hai anh em hoặc chị em đó sẽ rất giống nhau, người ta thường nói họ giống nhau như “hai giọt nước”. Chẳng những giống nhau về hình thể bên ngoài, họ còn giống nhau cả những đặc điểm bên trong khiến họ có thể cho bớt nhau các bộ phận của mình như da, thận… để cấy ghép sang cho người anh hoặc chị em sinh đôi với mình mà hoàn toàn yên lành, không bao giờ xẩy ra hiện tượng “loại bỏ” bộ phận cấy ghép như những trường hợp cấy ghép khác.
Chết thật, tôi lại sa đà kể những chuyện đâu đâu. Xin các bạn nghỉ giải lao vài phút rồi cùng tôi quay về chuyện cũ.
Như thế là sau khi vào đến dạ con, sống tự do ở đó 2-3 ngày, người em gái sinh đôi và tôi đi dần sát lại nhau ở phân giữa dạ con, phía gần đáy, nơi chúng tôi cho là tốt nhất để “làm tổ”. Đầu tiên, các tế bào nhỏ của mỗi phôi chúng tôi phát triển nhanh, xâm lấn lớp ngoài cùng của niêm mạc dạ con, tựa như khoan một cái lỗ. Tiếp đó, một mặt các tế bào này “gặm nhấm” thêm cho lỗ rộng ra, một mặt “mọc rễ” đi sâu vào lớp tế bào bên dưới và chẳng bao lâu, hình hài chúng tôi đã chui sâu dưới lớp niêm mạc. Cũng từ đó, niêm mạc và lớp dưới niêm mạc của dạ con biến đổi nhanh chóng và trùm phủ kín khắp “người” chúng tôi.
Sự xâm lấn, chui sâu, bám rễ vào niêm mạc dạ con để làm tổ như vậy đã gây ra thương tổn tại chỗ và từ nơi chúng tôi làm tổ, một ít máu đã chảy ra. Các cụ già có kinh nghiệm gọi đó là “máu báo”, thử máu báo tin người đàn bà đã thụ thai. Tuy vậy, lượng máu chảy rất ít, chỉ vài giọt và cũng chỉ 1-2 ngày, vì thế người ta còn gọi là “ra máu bồ câu”. Nhiều bà mẹ không biết hiện tượng này lại tưởng mình có kinh sớm hơn các chu kỳ trước đây ít ngày.
Với bố mẹ tôi, vì cả hai đều là thầy thuốc nên hai người không thể nhầm được. Đêm ấy, khi vào giường, mẹ tôi trìu mến ôm cổ bố tôi thì thầm: “Anh yêu, “bồ câu” đã báo tin mừng rồi đấu”. Bố tôi vui lắm và ngay đêm ấy, hai người đã thức khuya hơn bàn về tương lai của con và của cả hai người. Bố mẹ tôi đã vạch kế hoạch chi tiết từ việc ăn uống, làm việc, nghỉ ngơi, ăn mặc, đi lại, kể cả việc tập thể dục thể thao của mẹ tôi từ nay sẽ như thế nào để bảo vệ con ngay khi còn trong bụng. Bố mẹ tôi cũng tính sẽ mời bà ngoại sang giúp khi mẹ tôi ở cữ. Hai người cũng không quên bàn việc đặt tên con. Chỉ có điều bố mẹ tôi chưa biết để đặt sẵn hai tên cho một con trai và một con gái, do đó hai người thống nhất chọn chữ Hiền đặt tên cho đứa con sau này dù là gái hay trai.
Vì chúng tôi do hai trứng khác nhau tạo nên, do đó mỗi thai có một bánh rau riêng và mỗi chúng tôi nằm triêng trong một buồng ối, chung quanh toàn là nước ối. Chúng tôi sống và lớn lên trong buồng ối không khác gì con cá sống trong bình nước.

Các bạn sẽ hỏi như vậy mà không bị chết sặc sao.
Không. Ở trong bụng mẹ chúng tôi có thở đâu mà bị sặc. Chúng tôi cũng chẳng cần ăn. Mãi về sau này lớn lên, thỉnh thoảng chúng tôi có uống một chút nước ối. Bài tiết đối với chúng tôi cũng không quan trọng, tuy vậy thỉnh thoảng chúng tôi có “tè” vào trong buồng ối (nói các bạn bỏ ngoài tai chứ, cũng giống như khi chúng mình đi tắm biển ấy mà). Đặc biệt, chúng tôi không “xia” trong buồng ối. Chẳng phải vì chúng tôi biết giữ vệ sinh đâu, mà thật ra thì trong phân xu của chúng tôi khi còn trong bụng mẹ rất sạch, chẳng có một con vi trùng nào cả. Chúng tôi không “xia” chỉ vì chúng tôi khoẻ mạnh, luôn luôn đủ ôxy để dùng. Nếu bạn thai nào bị suy, nghĩa là không đủ ôxy cung cấp thì khi ấy bạn đó sẽ “bậy” ra trong buồng ối, làm cho nước ối biến màu xanh lục của phân xu. Căn cứ vào nước ối xanh do phân xu, các thầy thuốc có thể biết thai bị suy trong bụng mẹ. Nếu thai suy nặng, nó có thể chết trong dạ con trước khi được đẻ ra ngoài.
Như vậy, hai anh em tôi bằng cách nào có thể sống được trong dạ con?
Xin thưa, câu chuyện chúng tôi sống ra sao trong bụng mẹ, xin kể các bạn nghe sau.

Phó Đức Nhuận (sách Từ cái trứng đến một con người, NXB Y học, 1999)