Từ cái trứng đến một con người – sự biến đổi ở ngôi nhà hàng xóm(phần 3)

“Như vậy, dạ con là ‘ngôi nhà hàng xóm’ gần gũi nhất với họ nhà trứng chúng tôi. Khi chúng tôi còn là con nít, căn nhà hàng xóm này cũng nhỏ bé thôi. Lúc mẹ tôi ra đời, nó mới chỉ to bằng hạt lạc lép. Trước lúc mẹ tôi vào tuổi dậy thì, nó nhỏ hơn quả trứng chim câu”.

 

3. SỰ BIẾN ĐỔI Ở “NGÔI NHÀ HÀNG XÓM”

 

Các bạn thân mến!

Các bạn có nhớ ở phần đầu câu chuyện, tôi đã kể là hai buồng trứng, nơi ở của tất cả chị em chúng tôi ở hai bên một nhà to rộng hơn là dạ con. Như vậy, dạ con là “ngôi nhà hàng xóm” gần gũi nhất với họ nhà trứng chúng tôi. Khi chúng tôi còn là con nít, căn nhà hàng xóm này cũng nhỏ bé thôi. Lúc mẹ tôi ra đời, nó mới chỉ to bằng hạt lạc lép. Trước lúc mẹ tôi vào tuổi dậy thì, nó nhỏ hơn quả trứng chim câu.
Từ khi chị em tôi bắt đầu thức giấc đi vào hoạt động trưởng thành thì căn nhà hàng xóm này cũng bắt đầu chuyển biến mạnh. Các tế bào tạo nên dạ con trước đây chỉ sinh sôi chậm chạp, không hoạt động gì. Đến nay, các tế bào cơ và các tế bào bao phủ mặt ngoài phát triển làm dạ con to rộng ra. Khi mẹ tôi là một phụ nữ trưởng thành, dạ con to bằng quả trứng gà con so.


Đặc biệt hơn là sự thay đổi ở lớp màng bọc bên trong dạ con (còn gọi là niêm mạc). Mọi biến đổi ở ngôi nhà hàng xóm này lại phụ thuộc vào sự thay đổi có chu kỳ của buồng trứng là nơi chị em chúng tôi cư trú. Tôi đã kể là chất dịch nang trong các nang trứng của chúng tôi có ảnh hưởng đến cơ thể mẹ tôi thế nào. Đối với dạ con, dịch nang làm nó to lên, các cơ có khả năng co bóp. Các sợi cơ của ống dẫn trứng cũng có khả năng co bóp tạo nên một nhu động như làn sóng đi từ phía ngoài vào phía trong buồng dạ con.

Với lớp niêm mạc, dịch nang làm cho các tuyến ở đây to lên nhưng chưa chế tiết. Vì các tuyến to ra nên lớp niêm mạc dầy hơn trước. Ở cổ dạ con, nơi có thể coi là cửa ngõ của ngôi nhà hàng xóm này thông ra với bên ngoài, dịch nang làm các tuyến ở đây chế tiết mỗi ngày mỗi nhiều một chất dịch trong suốt, lỏng và dai, có thể kéo dài thành sợi giống như chất lòng trắng sống của trứng gà. Lỗ cổ dạ con, nhờ chất dịch nang cũng dàn dần, hé mở.
Nếu được quan sát cổ dạ con qua một dụng cụ khám phụ khoa vào giai đoạn sắp rụng trứng sẽ thấy một cổ dạ con sáng bóng màu hoa đào với một lỗ tròn xoe nằm chính giữa. Qua lỗ đó nhìn thấy ống cổ dạ con như một cái vòm dẫn từ cửa vào trong, chứa đầy ắp thứ dịch trong suốt vừa mô tả. Ánh sáng cảu đèn chiếu vào ống cổ dạ con thấy mầu lấp lánh đỏ còn phía sau là một buồng tối, cảm giác như nhìn vào một con ngươi của mắt. Đó là lúc tại buồng trứng, một trong số chị em tôi sắp nhảy ra khỏi nhà mình. Nếu không có dịch nang thì cả dạ con và cổ dạ con sẽ không có những thay đổi đó.
Đến giai đoạn buồng trứng tạo thành hoàng thể, nhờ chất dịch nang và đặc biệt là chất trợ thai của nó tiết ra, dạ con lại có những biến đổi tiếp: cơ dạ con mềm ra, giảm khả năng co bóp. Niêm mạc lúc này được phát triển mạnh, dầy hẳn lên do các tuyến ở niêm mạc to thêm, dài ra, phát triển ngoằn ngoèo và chế tiết một chất dịch đổ vào lòng tuyến. Dưới lớp niêm mạc các mạch máu nhỏ cũng dài ra, chui sâu vào lớp niêm mạc và xoắn lại như lò xo. Sự biến đổi này ở niêm mạc dạ con được gọi là sự “lót ổ” chuẩn bị cho phôi thai vào làm tổ và sinh sống tại đó. Còn ở cổ dạ con, chất dịch do các tuyến ở đây tiết ra giảm hẳn, trở nên đục, đặc lại, không còn dai và dễ kéo dài như trước. Khi hoàng thể ở buồng trứng teo đi thì cổ dạ con cũng không còn dịch và lỗ cổ dạ con cũng đã khép lại.

 

Đến thời kỳ cuối của hoàng thể, sự biến đổi của dạ con lại phụ thuộc vào số phận người chị em của tôi đã “nhảy” ra khỏi buồng trứng và theo hai hướng khác nhau tuỳ theo người chị em này có được thụ tinh hay không.
Nếu không có thụ tinh, mọi sự chuẩn bị lót ổ tại ngôi nhà hàng xóm trở nên vô ích. Khi ấy ở buồng trứng, hoàng thể teo đi, lượng dịch nang và chất trợ thai trong máu giảm xuống sẽ làm lớp niêm mạc dạ con bong ra, các mạch máu xoắn lò xo bị vỡ gây chảy máu trong dạ con và chảy ra ngoài trong vài ba ngày. Đó là kinh nguyệt. Khi máu kinh bắt đầu ra thì tại ngôi nhà của chị em chúng tôi là buồng trứng lại bắt dầu sự hình thành nang trứng và một chu kỳ mới bắt đầu tiếp diễn. Thời gian từ ngày bắt đầu ra máu kinh đến ngày cuối cùng, trước khi ra máu của kỳ kính sau gọi là chu kỳ kinh hay vòng kinh. Chu kỳ này thường la 4 tuần lễ (28 ngày) như của mẹ tôi và nhiều cô bác khác, nhưng cũng nhiều người có chu kỳ tròn một tháng (30 ngày) hoặc xê dịch lên xuống vài ba ngày trong phạm vi đó.
Nếu có thụ tinh, sự việc diễn ra lại khác. Phôi thai sau thụ tinh sẽ đi vào dạ con, làm tổ trong lớp niêm mạc đã được chuẩn bị từ trước. các tế bào của niêm mạc dạ con biến đổi, phát triển hơn nữa do hoàng thể vẫn tồn tại. Phôi thai mỗi ngày một lớn thì ngôi nhà hàng xóm của chúng tôi cũng càng to rộng thêm ra. Các bạn có hình dung được rằng bình thường dung tích của dạ con chỉ chừng 5 mililit, nhưng khi có thai đến tháng đẻ dung tích của nó trung bình là 5 lít, nghĩa là to rộng ra gấp một ngàn lần. Ấy là chưa kể trong những trường hợp bất thường nó còn to hơn nữa.
Khi có thai, lớp niêm mạc dạ con cũng không bong ra như trước, vì vậy người phụ nữ trong thời gian này không còn kinh nguyệt nữa.

Mong các bạn thông cảm khi phải nghe khá dài về sự biến đổi ở ngôi nhà hàng xóm của tôi vì đó là nơi sau này tôi có thời gian cư trú tời gần hai trăm sáu chục ngày.

(Theo Phó Đức Nhuận, Từ cái trứng đến một con người, NXB Y học, 1999)