BÀN VỀ THUẬT DƯỠNG SINH (P1)

Dưỡng sinh – hay còn gọi là tiếp sinh hay tạo sinh – mang ý nghĩa là duy trì và bảo vệ sự sống.

Lý thuyết dưỡng sinh dựa trên Nguyên lý Thiên Nhân hợp nhất cùng với Quy luật Âm – Dương và Ngũ hành trong y học cổ truyền. Nghĩa là con người được xem như một tiểu vũ trụ, có sự gắn bó mật thiết với thiên nhiên và vũ trụ, cần sống hài hòa, thuận theo tự nhiên để phòng bệnh và bảo vệ sức khỏe.

Tìm hiểu về các học thuyết âm dương, ngũ hành trong y học cổ truyền TRƯỜNG TRUNG CẤP Y KHOA VIỆT NAM

Thuật dưỡng sinh được ghi chép từ rất sớm, xuất hiện ngay trong Hoàng Đế Nội Kinh – một cuốn y thư cổ điển, nền tảng lý luận của Đông y. Ngay từ đó, dưỡng sinh đã được xem là bước đầu tiên và quan trọng trong việc phòng và trị bệnh.

Nguyên lý cốt lõi của dưỡng sinh là điều nhiếp tinh thần, vì tinh thần an định thì khí huyết lưu thông, cơ thể mới khỏe mạnh. Đây chính là mấu chốt trong việc duy trì sức khỏe bền vững.

(Điều nhiếp tinh thần – Nhiếp tâm – có nhiều nghĩa, tùy theo ngữ cảnh. Trong Phật giáo, nó có thể chỉ sự kiểm soát tâm trí và tập trung vào thân hành, như hơi thở – điều nhiếp tinh thần là quá trình làm chủ, điều khiển tâm trí hoặc tạo ra một sự ảnh hưởng, chế ngự tinh thần theo nhiều cách khác nhau)

Trong lý luận dưỡng sinh, thuật số được coi là nguyên tắc nền tảng. Nó liên quan đến việc điều chỉnh cơ thể phù hợp với quy luật âm – dương và sự thay đổi của khí hậu, thời tiết. Bất kỳ ai hiểu và vận dụng được thuật số sẽ có thể duy trì sức khỏe, sống dẻo dai và trường thọ.

Nội dung dưỡng sinh trong y học cổ đại gồm 4 phương diện chính:

  1. Điều dưỡng tinh thần
  2. Điều tiết ăn uống và sinh hoạt
  3. Thích nghi với khí hậu, môi trường
  4. Rèn luyện thân thể

(Ảnh minh hoạ, Nguồn: Unplash)

Về cơ chế phát sinh bệnh, theo quan niệm của Đông y, bệnh tật chỉ xuất hiện khi tà khí (yếu tố gây bệnh bên ngoài) gặp phải thể trạng hư yếu. Nghĩa là nếu cơ thể khỏe mạnh, thì dù có gió mưa, nóng rét thất thường cũng không dễ sinh bệnh. Do đó, phép dưỡng sinh đóng vai trò chủ chốt trong việc nâng cao thể chất, chống lại tà khí, từ đó ngăn ngừa bệnh tật hiệu quả.

Nguồn: Tham khảo Hoàng Đế nội kinh tố vấn