Dưỡng sinh theo từng mùa:
- Mùa Xuân (ứng với hành Mộc – trong cơ thể ứng với tạng Can)
(Ảnh minh hoạ, Nguồn: Unplash)
Mùa xuân là mùa là mùa khởi đầu của một năm, là mùa thay cũ đổi mới, sinh khí của trời đất bắt đầu khởi phát và lan toả, vạn vật sinh sôi nảy nở tươi tốt. Giống như vận vật vào xuân cần được nuôi dưỡng, cơ thể cũng cần được nuôi dưỡng tốt nhờ những thói quen sau:
+ Giữ trạng thái vui vẻ, khoan hòa, cởi mở; cần tránh căng thẳng, giận dữ, lao lực quá mức, tránh ở trong phòng kín lâu;
+ Ngủ muộn và dậy sớm hơn một chút để thích nghi với ngày dài đêm ngắn của mùa xuân;
+ Buổi sáng nên thư giãn cơ thể như xõa tóc, nới lỏng quần áo, vận động nhẹ ngoài trời để khí huyết lưu thông.
+ Chế độ ăn cần thanh đạm, ưu tiên vị ngọt nhẹ, hạn chế vị chua, tránh thực phẩm lạnh vì dễ làm tổn thương dương khí (mùa xuân thuộc thiếu dương – dương khí mới sinh còn non), không dùng quá nhiều các món bổ béo khó tiêu vì dễ làm tổng thương tỳ, vị, đặc biệt với người già, trẻ nhỏ và người có vấn đề tiêu hóa.
Đây là những cách giúp lưu thông khí cơ của tạng can. Cũng giống như vạn vật lúc mới sinh ra chỉ nên nuôi dưỡng để sinh trưởng mà không nên sát hại, chỉ nên bồi dưỡng mà đừng làm tiêu hao. Đó chính là thích ứng với lẽ điều dưỡng sinh khí của mùa xuân. Nếu trái với lẽ ấy, thì sẽ làm tổn thương can khí, can mộc bị tổn thương sẽ không sinh được tâm hỏa (tâm thuộc hỏa ứng với mùa hạ) đến mùa hạ sẽ sinh bệnh hàn tích, làm cho sự thích ứng của cơ thể đối với khí trưởng thịnh của mùa hạ sẽ bị giảm sút.
- Mùa hè (ứng với hành hỏa – trong cơ thể ứng với tạng Tâm).
(Ảnh minh hoạ, Nguồn: Unplash)
Ba tháng mùa hạ là thời điểm muôn vật tươi tốt sinh trưởng mạnh mẽ, thời kỳ này khí trời giáng xuống, khí đất bốc lên, đây là thời kỳ khí trời khí đất giao hòa mạnh mẽ nhất, khiến vạn vật ra hoa kết trái.
Trong mùa này, cần dưỡng trưởng khí (dưỡng trưởng) bằng cách:
+ Giữ tinh thần vui vẻ, an hòa, tránh nóng giận, ưu phiền để bảo vệ tạng Can và giúp Tâm Hỏa phát triển đầy đủ;
+ Đi ngủ muộn, dậy sớm để thích nghi với ngày dài, đêm ngắn;
+ Vận động nhẹ, tăng tiết mồ hôi để dương khí được khai thông;
+ Chế độ ăn cần thanh mát, bổ sung thực phẩm sinh tân dịch, hạn chế món cay nóng. Việc bồi bổ phải bảo đảm tính “thanh”: thanh nhiệt (giải nóng), thanh đạm (dễ tiêu).
Đó chính là thích ứng với lẽ điều dưỡng trưởng khí của mùa hạ. Nếu trái với lẽ ấy nhiệt tà không được phát tiết ra ngoài, uẩn phục bên trong làm tổn thương tâm khí, đến mùa thu tà khí này sẽ hợp với lương tà (khí mát) gây thành bệnh thương hàn (sốt rét). Mùa thu cần được thu liễm, khi dương khí bị tổn thương như trên sẽ không đủ dương khí để thu liễm, làm giảm năng lực của cơ thể thích ứng với khí thu liễm của mùa thu, đến mùa đông dễ bị bệnh khác nữa.
- Mùa thu (ứng với hành Kim – trong cơ thể ứng với tạng Phế)
(Ảnh minh hoạ, Nguồn: Unplash)
Ba tháng mùa thu, vạn vật đã đến giai đoạn thành thục (ví như các loại quả đã chín, tinh hoa được cô đọng trong hạt giống, …), khí trời mát mẻ, khí đất lặng, muôn vật biến sắc (thảo mộc điêu tàn, dương khí trong người thu liễm lại).
Để dưỡng sinh hợp với tiết khí mùa thu, khi ngày ngắn dần và đêm dài hơn, chúng ta nên:
+ Giữ lòng thanh thản, tránh buồn thương để giữ cho phế khí được thanh tĩnh
+ Việc vận động cơ thể vào mùa thu cũng chỉ ở mức vừa phải, vì mùa thu lấy tàng chứa (tích trữ) làm chủ; không cần thiết vận động cho đổ nhiều mồ hôi để hạn chế tiêu tán âm khí, thế mới dưỡng được khí, cơ thể mới khỏe mạnh.
+ Mùa thu trong ngũ hành là tương ứng với kim, cũng ứng với tạng phế, do đó mùa thu cần chú ý dưỡng ẩm chống khô hanh, chăm sóc can và tỳ.
+ Về ăn uống: tăng chua, ngọt, vì món ăn chua giúp dưỡng can, ngọt dưỡng tỳ. Mùa thu cần kiêng bớt vị cay vì các món này làm khí phế phát quá độ, sẽ gây tổn hại cho phế và tổn thương tới can, tỳ.
+ Đi ngủ sớm và dậy sớm để thích ứng với tiết khí ngày dần ngắn lại đêm dần dài ra.
Làm như vậy giúp cơ thể thích ứng được với nhịp sinh học tự nhiên, hợp với lẽ điều dưỡng “thu khí” của mùa Thu, thu liễm dương khí của cơ thể, như vậy phế khí mới được thanh túc, dương khí mới được thu vào. Nếu làm trái ngược lẽ ấy, phế tạng sẽ bị tổn thương, phế khí hư hao, mùa đông thận thủy không được phế kim sinh đầy đủ, thận thủy sẽ không thực hiện tốt chức năng bế tàng, như vậy đến mùa đông sẽ bị bệnh sôn tiết (đại tiện phân lỏng nát, phân sống chưa qua tiêu hóa), làm giảm năng lực phong tàng của dương khí.
- Mùa đông (ứng với hành Thủy – trong cơ thể ứng với tạng Thận)
(Ảnh minh hoạ, Nguồn: Unplash)
Mùa đông là thời điểm dương khí bế tàng và ẩn náu, thể hiện qua cảnh cây cối úa tàn, mặt đất nứt nẻ – tất cả đều phản ánh sự bế tàng của dương khí.
Để thích ứng với tiết khí mùa đông, con người cần tránh làm nhiễu động dương khí bằng cách:
+ Đi ngủ sớm và thức dậy muộn – thích ứng với ngày ngắn đêm dài, nhằm bảo vệ dương khí và nuôi dưỡng âm khí – quá trình này được tối ưu hóa khi cơ thể nghỉ ngơi;
+ Giữ tinh thần yên tĩnh, không bộc lộ ra ngoài;
+ Giữ ấm cơ thể, không để lộ da thịt ra bên ngoài;
+ Vận động luyện tập ở mức vừa phải để làm ấm người mà không tiết mồ hôi, phòng tránh dương khí bị thất thoát.
Đây chính là đạo dưỡng tàng, thuận theo đặc điểm tự nhiên của mùa đông. Ngược lại, nếu hành động trái với nguyên lý này, thận khí sẽ bị tổn thương. Điều này có thể dẫn đến các bệnh nuy quyết vào mùa xuân năm sau, với các triệu chứng như cơ thể suy yếu, khô héo, hoặc tê liệt.
KẾT LUẬN:
Sự thay đổi của âm và dương qua bốn mùa là nền tảng cho các giai đoạn sinh, trưởng, hóa, thu, và tàng của vạn vật. Phương pháp dưỡng sinh – cách giữ gìn sức khỏe thân thể và tâm hồn – chính là sống hài hòa với sự biến đổi này: mùa xuân thúc đẩy sự sống mới (sinh), mùa hạ giúp phát triển mạnh mẽ (trưởng), mùa thu tập trung thu liễm năng lượng (thu), và mùa đông bảo vệ, tích trữ (tàng).
Cụ thể, mùa xuân và mùa hạ nên chú trọng nuôi dưỡng dương khí – nguồn năng lượng hoạt động, trong khi mùa thu và mùa đông cần chăm sóc âm khí – nền tảng tĩnh lặng và phục hồi. Khi sống đúng theo quy luật tự nhiên này, cơ thể sẽ duy trì được sự phát triển khỏe mạnh, tránh xa bệnh tật. Ngược lại, nếu đi ngược lại, sự cân bằng của cơ thể sẽ bị phá vỡ, chân khí (năng lượng sống) suy yếu, dẫn đến tổn hại sức khỏe. Đây chính là nguyên tắc cốt lõi của việc dưỡng sinh.
(Theo Hoàng Đế nội kinh tố vấn)