1. Mở đầu
Trong y học cổ truyền, xuất tinh sớm gọi là tảo tiết (Theo từ điển Hán Nôm: tảo: sớm, trước; tiết: dâm dục. Tảo tiết: chưa kịp giao hợp đã xuất tinh hoặc mới bắt đầu giao hợp đã xuất tinh).
Trong cơ thể, chức năng sinh dục được quan niệm là một mặt hoạt động của thận (thận chủ sinh dục). Vì vậy, xuất tinh sớm được coi là bệnh lý chủ yếu có nguyên nhân từ chức năng tạng thận bị rối loạn hoặc do chức năng các tạng phủ khác bị bệnh ảnh hưởng tới thận. Trong đó thận khí hư tổn, âm hư nội nhiệt, khí trệ huyết ứ là những yếu tố bệnh nguyên chủ yếu.
- Các rối loạn chức năng tạng phủ trong chứng tảo tiết
2.1. Thận khí bất túc (nguyên khí trong thận hư suy)
Tảo tiết là một biểu hiện lâm sàng chủ yếu của chứng thận khí hư tổn.
Nguyên nhân làm thận khí bị tổn thương như tảo hôn, sắc dục thái quá, bẩm tố tiên thiên thận khí bất túc, do thận tinh, thận âm hoặc do từ các tạng phủ khác bị rối loạn dẫn đến rối loạn chức năng thận khí.
Thận là chỗ tiềm tàng ẩn nấp của chân dương, là gốc của sự bế tàng, kín đáo, là nơi tàng chứa tinh khí của ngũ tạng lục phủ. Thận khí hư chức năng bế tàng (chứa và đóng kín) bị suy giảm, âm tinh bị tiết ra ngoài sinh chứng tảo tiết, tinh khí bị hao tổn, công năng nạp khí bị hư, thận tinh không hóa khí để nuôi thân hình, khí hãm… Lâm sàng biểu hiện: tảo tiết kèm các triệu chứng do thận khí hư tổn (động làm là vã mồ hôi, đau lưng mỏi gối, tóc bạc sớm, đái sót…mạch trầm nhược). Điều trị cần bổ thận khí kết hợp cố sáp.
2.2. Thận khí không bền
Thận khí hư suy, mất chức năng bế tàng thì thận khí không bền.
Nguyên nhân của thận khí không bền là do nhân tố nội thương, hoặc bị ốm lâu ngày, khiến thận khí bị tổn hại. Vì thận chủ khí hóa mà chứa tinh, chủ bế tàng. Thận khí không bền nên mất chức năng bế tàng, mất sự kín đáo làm âm tinh bị tiết ra ngoài. Sách Chứng trị yếu quyêt viết: sắc dục quá độ, hạ nguyên hư yếu sẽ tiết tinh không kiềm chế được. Chứng trạng lâm sàng bao gồm triệu chứng của chứng thận khí hư, nhưng nổi bật là các chứng trạng ở hạ tiêu như đêm đi tiểu nhiều lần, di niệu, hoạt tinh, tảo tiết. Điều trị cần bổ thận sáp tinh.
2.3. Thận dương hư, mệnh môn hỏa suy
Nguyên dương bất túc, mất chức năng khí hóa và sưởi ấm làm thủy thấp thịnh ở trong, mất chức năng tàng chứa và đóng kín, cơ năng suy nhược, thường do thận khí hư nặng hơn một bước mà thành. Nguyên nhân gây thận dương hư, ngoài nguyên nhân gây thận khí hư, ở người có tuổi còn do tuổi cao, ốm lâu ngày, lao thương quá độ. Lâm sàng gồm triệu chứng của chứng thận khí hư như trên kết hợp chứng trạng do tổn thương dương khí: xuất hiện hư hàn như tiểu đêm, di hoạt tinh, sợ lạnh, tay chân lạnh, từ lưng trở xuống lạnh, mạch trì.
Trong điều trị dù chứng trạng biểu hiện dương hư bất túc, nhưng nếu dùng các loại táo dược cường dương, nhất thời có thể có hiệu quả nhưng dùng kéo dài sẽ làm hao âm. Ngược lại, nếu chỉ tập trung vào tư âm (âm thường bất túc) mà dùng thang thuốc đắng lạnh lâu ngày sẽ làm tổn thương dương khí. Vì vậy, tảo tiết do thận khí hư tổn, thận dương hư, trong dụng dược, cần lưu ý khi điều trị vừa phải ôn dương bổ thận, vừa phải tư âm điền tinh. “Giỏi bổ dương tất phải trong âm tìm dương thì dương được âm giúp đỡ mà sinh sinh hóa hóa vô cùng” (Tạp chứng mô – Cảnh Nhạc Toàn thư).
Long hỏa, lôi hỏa, còn được gọi chung thành long lôi hỏa, là tướng hỏa ẩn náu trong can thận, cùng những nơi khác. Long hỏa tuy thuộc dương nhưng ẩn náu trong khảm (thủy ☵), lôi hỏa là quẻ chấn (sấm ☳) thuộc mộc. Quyển 1, sách Y học Chính truyền chép: Tướng hỏa không có định thể, bên trên thì ẩn náu ở giữa can, đởm, bào lạc, khi phát ra thì như rồng lửa bay lên mà hóa thành sấm sét; bên dưới thì ở giữa hai thận, khi phát thì như rồng lửa bơi vẩy trong biển hồ, tạo thành sóng nước. Sách Y Quán chép: Tướng hỏa ở giữa can thận, hỏa này là hỏa trong thủy, là long lôi hỏa. Long lôi hỏa, những lúc mưa gió âm u, thì càng bốc mạnh, có thể thiêu đốt nhà cửa, hoặc có thể phá nát sỏi đá, thế mạnh của nó không chống lại được. Duy chỉ đến khi mặt trời chiếu xuống thì hỏa tự tiêu. Hỏa này có được thủy thì càng mạnh mẽ, có hỏa thì sẽ tắt vậy. Nói cách khác long hỏa là hỏa của âm dương vì vậy muốn bổ long hỏa phải luôn đi đôi với bổ âm (☵) (Huyền tẫn phát vi – Hải Thượng Y tông tâm lĩnh).
2.4. Thận tinh bất túc (thận tinh suy tổn)
Nguyên nhân thường do phú bẩm tiên thiên bất túc, phòng lao quá độ, hậu thiên mất điều dưỡng làm âm tinh suy hao, tủy hải rỗng không; Hoặc là mệt mỏi suy kiệt, tinh khí thiếu hụt.
Thận là chỗ gốc, chứa tinh khí, có chức năng thu chứa đóng kín.Thận tinh hóa khí (tinh sinh khí), nên khi thận tinh bất túc sẽ liên lụy đến thận khí, làm ảnh hưởng đến chức năng chứa và đóng kín của thận.
Thận tinh là vật chất cơ bản để duy trì sự sinh trưởng phát dục, giữ gìn giống nòi và mọi hoạt động sinh lý bình thường của tạng phủ, nuôi dưỡng toàn thân. Bên cạnh chức năng thu giữ và tàng chứa, khi thận tinh đầy đủ, tinh của thận còn hoá ra khí, sinh ra huyết. Vì vậy, khi gặp chứng thận tinh bất túc sẽ còn có biểu hiện của khí huyết đều hư như sắc mặt không tươi, trắng nhợt, mệt mỏi, đoản hơi, tay chân yếu, tự ra mồ hôi, mạch tế nhược (tinh thương thì khí thiếu, khí thiếu thì thần suy)…Trong điều trị, bên cạnh việc bổ thận ích tinh, chỉ tiết cần kết hợp bổ khí dưỡng huyết.
2.5. Thận âm hư (âm dịch của tạng thận khuy tổn, hư hoả quá găng)
Nguyên nhân phần nhiều do nội thương mệt nhọc, ốm lâu liên lụy đến thận. Ở người trẻ phần nhiều do buông thả tình dục.
Thận âm suy hao, âm hư dương cang, hư hoả quấy rối tinh thất gây tảo tiết, âm hư thì sinh nội nhiệt, cho nên có các chứng ngũ tâm phiền nhiệt, mất ngủ mồ hôi trộm, miệng khô họng ráo. Thận âm bất túc, tinh khí cũng hư tổn, cho nên có các chứng lưng gối ê mỏi, mạch tế sác. Về chiều và ban đêm bệnh nặng hơn, buổi sáng thì đỡ. Ở lứa tuổi thanh niên mắc chứng thận âm hư, chứng trạng chủ yếu là mộng di tinh, tảo tiết và mất ngủ. Điều trị nên tư thận âm, tả hư hoả.
2.6. Thận âm dương đều hư
Nguyên dương bất túc kết hợp âm tinh khuy tổn mất chức năng tàng tinh và đóng kín;
Do phòng lao quá độ, tinh hư âm khuy, lâu ngày bệnh âm liên lụy đến dương làm thận âm dương đều hư. Hoặc thận khí thận dương hư, dương liên lụy âm cũng làm thận âm dương đều hư. Thận dương hư nên chức năng của thận giảm sút (tàng tinh, chủ sinh dục, chủ cốt, …), âm hư sinh nội nhiệt, hư hỏa vong động không yên vị. Lâm sàng biểu hiện dương nuy, tảo tiết di tinh hoạt tinh, mộng tinh, sợ lạnh, lòng bàn tay chân nóng, miệng khô họng ráo nhưng ưa uống nước nóng, tai ù, mồ hôi trộm, lưng gối ê mỏi, tiểu tiện trong dài hoặc không gọn bãi, gốc lưỡi có rêu trắng, chất lưỡi đỏ, mạch bộ xích tế nhược hoặc đới sác. Điều trị cần ôn thận trợ dương, tư âm cố sáp theo nguyên tắc “trong âm tìm dương, trong dương tìm âm”.
2.7. Tâm thận bất giao
Nguyên nhân: tiên thiên bất túc, hư lao, phòng thất thái quá
Tâm vị trí ở thượng tiêu, tính chủ về động, lấy dương (hỏa) làm chủ, thận ở hạ tiêu, tính chủ về tĩnh, lấy âm (thủy) làm chủ. Trong trạng thái sinh lý bình thường, thủy hỏa bắt rễ lẫn nhau, thận thủy dâng lên, tâm hỏa giao xuống gọi là ký tế. Tâm hỏa giao xuống dưới vào thận, để giúp thận dương cùng sưởi ấm thận âm, thì thận thủy không lạnh. Ngược lại, thận thủy dâng lên để giúp tâm âm cùng nuôi dưỡng tâm dương, làm tâm dương không găng.
Tâm hỏa ở trên là quân hỏa, thận hỏa ở bên dưới là tướng hỏa, tướng hỏa cần có quân hỏa là thống soái thì bên dưới mới phát huy được công năng sinh lý chính thường. Hai hỏa phối hợp với nhau để ôn dưỡng tạng phủ, thúc đẩy các công năng hoạt động của cơ thể. Quân hỏa ở bên trên, công năng sinh lý của tâm chính thường, chủ trì thần minh, thì tướng hỏa không vọng động mà gây hại, giúp cho công năng các tạng phủ chính thường. Quân hỏa, tướng hỏa duy trì mối quan hệ hỗ tương, cùng trở thành động lực hoạt động sự sống của toàn thân. Người xưa có nói: Quân hỏa có sáng suốt, thì tướng hỏa mới an vị. Tướng hỏa nên tàng (cất giữ), mà không nên tiết ra ngoài, vì vậy mới nói tướng hỏa an vị. Hai hỏa của quân và tướng, nếu có bệnh thì sẽ ảnh hưởng lẫn nhau. Quân hỏa có bệnh thì sẽ liên lụy đến tướng hỏa, và ngược lại.
Tâm hỏa cang thịnh (do ngũ chí bị uất hóa hỏa, ăn uống nhiều đồ cay nóng, lục dâm truyền vào lý hóa hỏa dương nhiệt thịnh ở trong gây tâm hỏa cang thịnh…) hỏa vượng vũ thủy, dương nhiệt thái quá làm hao tổn thận âm, thận dương thiên lệch, tướng hỏa vong động, tướng hỏa hun đốt ở trong dẫn đến tảo tiết hoạt tinh kèm các triệu chứng âm hư dương cang của tâm như tâm phiền không ngủ, mê nhiều, hồi hộp hay quên. Điều trị nên tư âm bổ thủy để chế tâm hỏa (tư bổ thận âm kiêm thanh tâm hỏa) dùng tri bá địa hoàng hoàn hoặc Tả quy ẩm.
Thận âm hư, thủy thiếu không đủ dâng lên chế hỏa làm tâm dương vượng lên, tâm hỏa găng ở trên, kết hợp thận hỏa xung tâm thành bế tắc (vị tế), hỏa có dư mà thủy không đủ. Lâm sàng biểu hiện tảo tiết kèm chóng mặt ù tai, miệng khô họng ráo, lưng gối ê mỏi, nóng từng cơn, mồ hôi trộm, đầu lưỡi đỏ không có rêu, mạch tế sác. Điều trị nên tư bổ thận thủy để chế tâm hỏa (tư bổ thận âm kiêm thanh tâm hỏa), chỉ tiết.
Quân hỏa là hỏa của ngũ hành, thuần dương và trong sáng. Phép chữa trị quân hỏa thường dùng ngũ hành để chữa trị, vì vậy các thang dưỡng tâm thường có các vị bổ tỳ hoặc bổ can kèm theo.
Long hỏa là hỏa của âm dương, vì vậy muốn bổ long hỏa phải luôn đi đôi với bổ âm (trong âm tìm dương).
2.8. Can thận âm hư
Hình thành chứng can thận âm hư có thể do thận âm bất túc, tinh không hoá huyết khiến cho can thận đều hư; Hoặc can âm bất túc dẫn đến thận âm khuy tổn. Thường do mất huyết quá nhiều, hoặc là ốm lâu doanh âm khuy tổn, hoặc phòng lao quá độ;
Can tàng huyết chủ về sơ tiết, thận tàng tinh chủ về sinh dục. Can huyết đầy đủ thì huyết hóa tinh, thận tinh đầy đủ thì tinh sinh huyết. Can thận âm hư sẽ làm tổn thương thận tinh và chức năng tàng tinh nên gây tảo tiết, đồng thời can thận âm hư, tinh huyết khuy tổn không chế ước được tướng hỏa (long lôi hỏa), làm can dương thăng phát thái quá gây ra can hỏa thượng cang (đầu căng đau, mặt đỏ, nóng nảy dễ cáu giận) hoặc âm hư sinh nội nhiệt, can âm không giúp được tâm âm, thận âm không chế được tâm hỏa, hư hỏa quấy rối tinh thất gây tảo tiết, hoạt tinh, quấy rối tâm thần gây tâm phiền mất ngủ, hay mê chóng quên, sợ sệt không yên, ngũ tâm phiền nhiệt, họng khô miệng ráo, thích uống nước mát, chất lưỡi đỏ ít rêu hoặc không rêu, mạch trầm tế sác. Can thận âm hư tinh huyết khuy tổn sẽ ảnh hưởng đến thận khí (tinh sinh khí), âm ảnh hưởng đến dương làm phần dương của can thận suy hao hình thành chứng hậu âm dương đều hư. Nếu có âm hư hỏa cang cần tư âm giáng hỏa chỉ tiết sáp tinh.
2.9. Can dương thượng cang
Do âm không phối dương của tạng can, dẫn đến can dương không tiềm tàng hoặc can khí thăng phát thái quá, dương khí nổi lên ở trên gây bệnh. Chứng này phần nhiều do phòng thất mệt nhọc, thất tình nội thương và ăn uống không điều độ.
Chứng trạng: choáng váng, đầu hơi trướng và đau, hoa mắt sợ sáng hoặc mắt nhìn không tỏ, lợm giọng buồn nôn, ưa yên tĩnh, kiêm tai ù, miệng lưỡi khô ráo, rìa lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng mỏng hoặc trắng mỏng, mạch huyền tế hoặc huyền tế đới sác.
Nếu do thủy suy không hàm mộc, ngoài chứng trạng dương cang (choáng váng, đầu hơi trướng và đau, hoa mắt sợ sáng hoặc mắt nhìn không tỏ) còn có biểu hiện thận âm hư như mỏi thắt lưng, ưa yên tĩnh, tai ù, trằn trọc khó vào giấc, ngủ không sâu dễ tỉnh giấc lúc nửa đêm về sáng, trí nhớ giảm, dễ bị tình tự kích thích vã mồ hôi, kèm theo tiền sử phòng thất không điều độ hoặc thủ dâm quá nhiều, tảo tiết. Điều trị tư thủy hàm mộc dùng.
Can dương thượng cang kiêm can đởm thấp nhiệt: ở tuổi thanh niên thường do thận tinh hư suy gây can dương thượng cang, kết hợp can đởm thấp nhiệt.
2.10. Tảo tiết do can đởm thấp nhiệt
Loại này ít gặp: vì mạch của túc quyết âm can kinh đi qua bộ phận sinh dục, đường biệt của nó kết ở âm hành. Thấp nhiệt xâm phạm kinh can dồn xuống âm khí gây rối loạn sự thông tiết, làm tinh bị tiết ra do mất sự kín đáo.
Nguyên gây: do ăn nhiều chất béo, đồ ngọt, thức ăn chiên xào cay nóng sinh nội sinh thấp nhiệt (nóng trong người), hoặc cảm thấp nhiệt tà uất tụ kinh can dẫn động tướng hoả, nhiễu động tinh phủ hoặc người hay uất nộ gây tổn thương can, sinh can khí uất ảnh hưởng đến thận mà sinh tảo tiết.
Chứng trạng: hoạt tinh tảo tiết, khẽ đụng là xuất tinh, ngứa bộ phần sinh dục, phiền muộn, đắng miệng, tiểu vàng đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch huyền hoặc sác. Điều trị cần thanh tả thấp nhiệt ở can kinh, dùng Long đởm tả can thang nhưng trúng bệnh thì ngừng dùng không quá tay.
2.11. Can khí uất kết, hoành nghịch
Thận chủ việc chứa kín lại, can chủ việc thông tiết ra, hai tạng đều là tướng hỏa, tướng hỏa nên tàng (cất giữ), mà không nên tiết ra ngoài, tâm là quân hỏa, khi quân hỏa chính thường thì tướng hỏa an vị. Nóng giận, uất ức làm tổn thương can, can mất chức năng sơ tiết, làm tướng hỏa động sẽ thúc việc thông tiết vì vậy làm thận mất chức năng chứa kín, tinh khí bị tiết ra.
Khi can khí uất kết (khí cơ của tạng can bị uất mà không được thoải mái và phát tiết vì thế kết tụ và ứ trệ ở trong cơ thể, tình thế bị ức chế làm cho mất sự sơ tiết) tác dụng bất cập cho nên biểu hiện lâm sàng bên cạnh tảo tiết còn có tình chí ức uất, ý chí tiêu cực, ít nói năng, hay thở dài, ngực sườn đầy tức hoặc đau.
Can khí hoành nghịch, tức khí cơ ở tạng can không hòa mà rối loạn, sơ tiết thái quá, hoành nghịch xâm phạm quấy rối thận thì tinh quan không bền mà di tinh, tiết tinh, di niệu.
Chứng can khí uất kết với chứng can khí hoành nghịch đều có biểu hiện tỳ không kiện vận. Tỳ mất kiện vận (đầy bụng, chậm tiêu) sẽ ảnh hưởng đến chức năng sinh tinh hậu thiên. Điều trị cần sơ can, kiện tỳ, chỉ tiết.
2.12. Can dương hư
Can khí hư năng hơn một bước đến dương hư sinh hàn, giảm sút toàn diện công năng của tạng can.
Nguyên nhân do sợ hãi quá mức, ở lâu trong nghịch cảnh làm dương khí lắng chìm, hoặc bị trực trúng hàn tà điều trị không kịp thời làm tiêu mòn dương khí, sắc dục quá độ làm khí với tinh cùng đi hết, hoặc phú bẩm nguyên dương bất túc lại bị hàn lạnh làm tổn thương. Vì can dương có nguồn gốc từ thận dương, thận hư ảnh hưởng đến can làm can hư.
Đường Dung Xuyên: Can dương hư thì tinh hàn thận lạnh, hoạt tinh mà không mộng, nên uống Thiên hùng tán (Kim quỹ yếu lược)
Chứng trạng biểu hiện ưu uất hay sợ, rầu rĩ không vui, mắt tối sầm nhìn vật không rõ, cơ thể lạnh, sợ lạnh, hạ sườn đau, chân không ấm, đầu mình tê dại, mặt thường tái xanh, móng tay chân nhợt và khô, gân bị lạnh co rụt khó nắm được đồ vật. Không có ham muốn tình dục, dương suy, phòng sự không bền, cao hoàn lạnh, bộ phận sinh dục ẩm ướt, chất lưỡi nhạt rêu lưỡi trắng, mạch trầm tế huyền trì hoặc trầm nhược.
Can tàng huyết, huyết tàng hồn, dương hư thì hồn không yên mà thần bị động, thần động thì kinh, can đởm là quan hệ biểu lý, can hư thì đởm khiếp, đởm khiếp thì khủng. Khủng vốn làm hại thận, làm mất chức năng bế tàng mà gây hoạt tinh, thận khai khiếu ra tai, thận hư thì không làm đầy đủ cho tai nên không nghe được.
Can dương hư gặp trong bệnh dương nuy, khi gần gũi can hư thì khí không tới kịp nên dương nuy, dương hư sinh ngoại hàn nên bộ phận sinh dục lạnh ẩm ướt, chi dưới không ấm, mạch trầm tế trì, lười biếng không chịu lao động, đởm khiếp nên thường biểu hiện sầu muộn. Điều trị cần bổ can tráng dương.
2.13. Tâm tỳ khuy tổn
Tâm huyết hao tổn, tỳ khí bị tổn hại. Bệnh phần nhiều do lo lắng quá độ, ăn uống không điều độ, sau khi ốm nặng, bệnh mạn tính…
Kinh dịch chép: Rất mực thay khôn nguyên, muôn vật nhờ đó mà sinh ra. Tỳ vị thuộc thổ, là cơ quan sinh hóa của hậu thiên, bể của thủy cốc, gốc của khí huyết, năm tạng sáu phủ đều nhờ sự chuyển vận tươi nhuần của nó, phàm những tác dụng sinh tinh, huyết, dội vào trăm mạch, nhuần ra các kinh, điều vinh dưỡng vệ đều trông nhờ vào bộ phận trung châu đó.
Vị chủ về thu nạp, tỳ chủ về vận hóa, vị dương chủ về khí, tỳ âm chủ về huyết, vị thuộc cấn thổ, chủ về động thuộc dương, tỳ là khôn thổ, chủ tĩnh thuộc về âm, lấy vị cay bổ sung cho vệ, lấy vị ngọt bổ sung cho vinh thì tỳ vị khỏe. Huyết cần phải dưỡng (nuôi), vệ cần phải ôn (ấm).
Lo lắng quá độ, ăn uống không điều độ, ốm nặng, bệnh mạn tính…làm tâm tỳ khuy tổn sẽ liên lụy đến chức năng tàng tinh của thận.
Nếu tảo tiết do tâm tỳ khuy tổn gây thận khí bất túc, lúc đó sẽ biểu hiện chứng trạng của cả ba tạng tâm tỳ thận đều hư: tảo tiết kiêm hồi hộp, động làm là vã mồ hôi, sắc mặt trắng nhợt, thể trạng mỏi mệt, bụng chướng, kém ăn, đại tiện nhão, tai ù, tóc rụng, lưỡi nhạt, mạch tế. Điều trị cần bổ ích tâm tỳ, ích khí, cố tinh.
Khi nguồn sinh hóa của tỳ bất túc dẫn đến chứng tâm huyết và thận âm bất túc (tâm thận âm hư) sẽ biểu hiện tảo tiết kiêm triều nhiệt, mồ hôi trộm, ngũ tâm phiền nhiệt, khô miệng khát thích uống nước mát, đau mỏi thắt lưng, đầu choáng mắt hoa, tai ù, tiểu vàng,..
“Thấy sắc điên đảo rụng rời, cửa quan không giữ gìn, đó là do quân hỏa bị hư mà tướng hỏa cướp quyền gây nên (hỏa trong thận hư là do hỏa trong tâm hư trước, vì vậy muốn bổ thận hỏa trước tiên cần bổ tâm hỏa. Dùng thục địa, hoài sơn, sơn thù, phục linh, phụ tử, nhục quế, nhân sâm, bạch truật, ngũ vị, mạch đông, viễn trí, lộc nhung, ba kích, nhục dung, đỗ trọng, phá cố chỉ (Thạch thất bí lục-quyển 1)”
2.14. Tỳ vị dương hư
Dương khí của tỳ vị không vượng nên tinh khí mỏng manh, lạnh lẽo, tuy có thể giao tiếp nhưng nửa chừng bỏ dở, hoặc đến cửa tinh tiết. Điều trị cần bổ hỏa tiên thiên trong mệnh môn kết hợp bổ thổ hậu thiên trong tỳ vị làm tỳ vị thổ khí vượng hỏa khí đầy đủ, ngõ hầu khí ấm áp, tinh khí bền bỉ.
2.15. Tỳ thận dương hư
Chứng trạng: Cơ thể lạnh, tay chân lạnh, gày còm, mệt mỏi, bụng dưới lạnh đau, ỉa phân sống, ngũ canh tiết tả, lưng lạnh gối mỏi, đau mỏi thắt lưng âm ỉ, tiểu tiện vặt không gọn bãi hoặc khó tiểu tiện, tiểu đêm, dương nuy di tinh, phụ nữ thì tử cung lạnh không thụ thai, đái hạ trong loãng, chất lưỡi nhạt bệu có vết răng, mạch trầm trì tế nhược.
Tỳ dương bất túc liên lụy đến thận dương và ngược lại gây nên chứng âm hàn thịnh ở trong, mất chức năng vận hóa
Điều trị: ôn bổ tỳ thận (cần lưu ý nguyên tắc bổ tỳ không bằng bổ thận, bổ thận không bằng bổ tỳ. Dùng bài Phụ tử lý trung thang (Diêm Thị tiểu nhị phương luận, hợp Hữu quy hoàn (Cảnh Nhạc toàn thư)
Thận là gốc của tiên thiên, cần có sự bổ sung nuôi dưỡng không ngừng từ tinh của ngũ cốc, cho nên các loại hư chứng chủ yếu là do chỗ bất túc của tỳ thận
- Kết luận
Cơ thể là một thể thống nhất, mặc dù chứng tảo tiết được coi là bệnh lý có gốc từ thận, ngoài nguyên nhân do tạng thận bị tổn thương còn do các tạng phủ khác bị tổn thương làm ảnh hưởng đến chức năng tàng tinh của thận. Khi chữa bệnh cần tuân thủ theo nguyên tắc “biện chứng luận trị ”, “trị bệnh tất cầu kỳ bản” (chữa bệnh phải từ gốc). Tùy theo bệnh tình, độ tuổi, đặc điểm thể chất …của từng bệnh nhân tảo tiết để biện chứng luận trị cho phù hợp.