Cơ thể có hàng chục loại nội tiết tố khác nhau phối hợp với nhau để giúp chúng ta khỏe mạnh từ trong ra ngoài. Trong số rất nhiều loại nội tiết tố này, 05 loại quan trọng nhất quyết định giấc ngủ, trong 05 loại này có đến 03 là nội tiết sinh dục. Các nội tiết tố này ảnh hưởng đến giấc ngủ và ngược lại giấc ngủ ảnh hưởng đến quá trình điều hòa và bài tiết nội tiết tố này của cơ thể như thế nào.
Vai trò của giấc ngủ trong việc sản xuất nội tiết tố
Trong khi ngủ mỗi đêm, cơ thể chúng ta đang nỗ lực phục hồi từ ngày hôm trước và chuẩn bị cho ngày tiếp theo. Một phần của quá trình này liên quan đến việc sản xuất và điều chỉnh nhiều nội tiết tố trong cơ thể.
Nội tiết tố là công cụ hóa học truyền các tín hiệu từ tế bào này đến tế bào khác, chúng chịu trách nhiệm duy trì các chức năng của cơ thể, bao gồm nhưng không giới hạn ở:
- Đói, thèm ăn và lượng đường trong máu
- Nhịp sinh học và chu kỳ ngủ-thức của bạn
- Chức năng tình dục
- Thân nhiệt
- Chức năng tim mạch
- Sửa chữa cơ và mô
Một giấc ngủ ngon là rất quan trọng để sản xuất và bài tiết nội tiết tố khỏe mạnh.
Chất lượng giấc ngủ kém và thời gian ngủ ngắn không chỉ cản trở quá trình tổng hợp nội tiết tố mà còn cản trở sự bài tiết và cách chúng tương tác với nhau. Điều này có thể dẫn đến mất cân bằng nội tiết tố cũng như bất kỳ bệnh đi kèm nào có thể xảy ra do mất cân bằng đó, như bệnh tuyến giáp, rối loạn chức năng tình dục và thậm chí cả rối loạn giấc ngủ.
Các nội tiết tố ảnh hưởng đến giấc ngủ
– Melatonin
Thường được gọi là “nội tiết tố ngủ”, melatonin chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc thúc đẩy nghỉ ngơi lành mạnh và điều chỉnh nhịp sinh học của cơ thể. Melatonin được sản xuất ở tuyến tùng, tuyến này có liên quan đến chu kỳ ngủ-thức của cơ thể.
Giấc ngủ bị gián đoạn hoặc giấc ngủ kém chất lượng có thể tác động tiêu cực đến việc sản xuất melatonin. Một giấc ngủ ngon rất quan trọng đối với sức khỏe và cũng giúp điều hoà sản xuất cân bằng melatonin.
– Progesterone và estrogen
Nồng độ progesterone và estrogen thay đổi trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đời người phụ nữ, chất lượng giấc ngủ bị ảnh hưởng trong suốt những thời gian đó. Điều này xảy ra thường xuyên nhất trong chu kỳ kinh nguyệt, mang thai và mãn kinh .
Nhiều phụ nữ cho biết họ ngủ không ngon giấc trong thời gian này, đặc biệt nếu họ gặp phải các tác dụng phụ như đau bụng kinh, đau nhức cơ thể khi mang thai hoặc bốc hỏa trong thời kỳ mãn kinh. Vì những thay đổi nội tiết tố này, phụ nữ dễ bị mất ngủ hơn nam giới.
– Testosterone
Testosterone được sản xuất cả ở cơ thể nam và nữ
Mức testosterone dao động trong ngày và đạt mức cao nhất trong giấc ngủ REM. Nếu không ngủ đủ giấc REM, nó có thể ảnh hưởng đến mức testosterone trong cơ thể.
Giảm testosterone đôi khi cũng có thể liên quan đến các triệu chứng ngáy và mất ngủ, điều này có thể tạo ra một vòng luẩn quẩn làm giảm mức testosterone và ngủ kém.
– Cortisol
Giấc ngủ điều chỉnh cortisol, thường được gọi là “nội tiết tố căng thẳng”. Tuy nhiên, đây không phải là tác dụng chính của cortisol. Cùng với melatonin, cortisol là chìa khóa để duy trì giấc ngủ.
Khi thức dậy, mức cortisol tạm thời tăng đột biến, giúp cơ thể tỉnh táo và cảm thấy sảng khoái khi việc sản xuất melatonin giảm. Khi bạn đến gần giờ đi ngủ, việc sản xuất cortisol sẽ giảm và quá trình sản xuất melatonin tăng lên, giúp cơ thể chuẩn bị cho giấc ngủ.
Nồng độ cortisol tăng cao có thể tác động tiêu cực đến giấc ngủ, thường là do căng thẳng và các thiết bị điện tử ngăn cản cơ thể sản xuất melatonin.
Rối loạn các nội tiết tố trên sẽ gây rối loạn giấc ngủ.
Dr Phúc lược dịch