Từ cái trứng đến một con người – dòng dõi người bạn đời (phần 5)

“Cái đuôi thì rất dài, có thể ngoe nguẩy được rất nhanh, nhờ đó anh ấy có thể di chuyển dễ dàng từ nơi này đến nơi khác. Về đại thể, các bạn có thể thấy anh ấy giống như con nòng nọc”.

5. DÒNG DÕI NGƯỜI “BẠN ĐỜI” CỦA TÔI

“Anh ấy” được sinh ra, lớn lên và trưởng thành ở tuyến sinh dục nam của bố tôi. Các nhà khoa học gọi tuyến đó là tinh hoàn. Đi ngược thời gian về trước, khi bố tôi con là bào thai trong bụng bà nội, cũng ở vùng chậu hông xuất hiện hai mầm sinh dục. Hai mầm này lớn lên và biến đổi. Đối với giới nữ như mẹ tôi, chúng tôi trở thành hai buồng trứng. Ở giới nam như bố tôi, chúng phát triển thành tinh hoàn.

 

Khác với hai buồng trứng luôn luôn ở trong chậu hông là nơi sinh ra chúng, tinh hoàn lại không đứng yên tại chỗ. Khi bố tôi còn là thai 7 tháng trong bụng bà nội, hai tinh hoàn đã di chuyển xuống phía dưới, chui qua một cái lỗ ở thành bụng giáp với bẹn để rơi vào một cái túi da gọi là bìu nằm giữa hai đùi. Bìu có hai ngăn, mỗi ngăn chứa một tinh hoàn.
Do sự di chuyển này, ở một số cậu con trai khi đẻ non tháng, tinh hoàn chưa kịp xuống đến vị trí của nó nên trong bìu không có tinh hoàn, hoặc cả hai bên hoặc một bên. Phần lớn các cậu bé này khi lớn lên, trong vài tháng đầu tiên của cuộc đời, tinh hoàn sẽ tụt xuống. Tuy vậy, cũng có một số người bị tinh hoàn “ẩn”, không bao giờ xuống bìu cả. Những tinh hoàn ẩn này nếu không được mổ để đưa về đúng vị trí của nó là bìu từ lúc còn nhỏ thì sau này người đàn ông sẽ mất chức năng sinh sản, có khi còn gây bệnh, nhưng đó là điều tôi không nói ở đây.

Với bố tôi, khi bà nội đẻ ra, hai tinh hoàn đã nằm đúng vị trí của nó rồi.
Bên trong tinh hoàn có các ống sinh tinh. Các ống này rất nhỏ và rất dài, xếp ngoằn ngoèo bên trong tinh hoàn. Nối tất cả các ống sinh tinh của một tinh hoàn lại có thể được chiều dài gần một kilômét. Trong thành ống sinh tinh có các tế bào mầm để sản xuất ra tinh trùng. Giữa các ống sinh tinh có các tế bào kẽ để sản xuất ra chất nội tiết nam.
Ở tuổi thiếu niên, tinh hoàn và các tế bào mầm, tế bào kẽ cũng “ngủ” yên, không hoạt động.
Vào tuổi dậy thì của bố tôi, lại ông tổng chỉ huy tuyến Yên đã gửi các vị sứ giả đến tinh hoàn để kích thích chúng bước vào thời kỳ hoạt động
Vị sứ giả thứ nhất, như các bạn đã biết, ở mẹ tôi làm phát triển nang trứng và bài tiết dịch nang thì ở bố tôi, vị sứ giả này làm phát triển các ống sinh tinh và kích thích tế bào mầm sinh sản tạo nên nhiều thế hệ tế bào sinh dục nam.
Vị sứ giả thứ hai ở mẹ tôi gây rụng trứng, tạo nên và duy trì hoàng thể thì ở bố tôi, vị này kích thích tế bào kẽ chế tiết ra chất nội tiết nam và nhờ chất nội tiết này, cơ thể và tính sinh dục ở đàn ông phát triển.
Ở tuổi dậy thì, bố tôi cũng lớn nhanh như thổi, nhanh nhẹn, hoạt bát hẳn lên. Hệ cơ bắp phát triển tạo cho bố tôi một dáng vẻ đàn ông hùng dũng, và giấu buồng trứng để nói với các bạn thôi, có lúc còn hơi hung hăng, không có được dáng ẻo lả, dịu dàng của phụ nữ. Tại cổ, do thanh quản, cơ quan phát âm, to rộng ra nên xuất hiện “lộ hầu” và tiếng nói trở nên trầm đục hẳn đi.
Ông bà nội tôi bảo lúc ấy bố tôi bị “vỡ tiếng”, còn bố tôi khi hát trước các bạn của mình thường tự giới thiệu mình có giọng “ống bơ rỉ”. Ở hai tinh hoàn, các tế bào phát triển nhanh làm chúng to ra như hai trứng chim câu. Tại ống sinh tinh, các tế bào mầm phát triển thành nhiều thế hệ . Những thế hệ đầu khi sinh sản vẫn giữ nguyên số thể nhiễm sắc (TNS) 46 cái như của tế bào mầm. Rồi đến một thế hệ nào đó trở đi bắt đầu sự phân chia giảm TNS giống như ở buồng trứng.
Khác với các tế bào trứng ban đầu, tế bào mầm ở tinh hoàn có các TNS là 44XY, nghĩa là ngoài 44 TNS thường còn có hình dáng, kích thước khác hẳn nhau. Thể “X” giống như TNS giới tính ở nữ nhưng thể “Y” có hình dáng khác hơn và bé hơn nhiều. Như vậy, khi phân chia giảm TNS, các tế bào mới sinh ra sẽ có hai loại: một loại mỗi tế bào có 22 TNS thường và một thể X (22X); một loại khác mỗi tế bào có 22 TNS thường và một thể Y (22Y). Các dòng tế bào này lại sinh sản độc lập thêm hai thế hệ nữa: một thành hai, hai thành bốn và vẫn giữ nguyên bộ TNS như nó đã có (22X hoặc 22Y).
Kế thúc dòng sinh sản là các tinh trùng. Như vậy, tinh trùng cũng có hai loại, mỗi loại chứa một TNS giới tính khác nhau (22X và 22Y).
Tinh trùng được dồn vào lòng ống sinh tinh, tập trung lại ở mào tinh rồi theo ống dẫn tinh đi ngược lên bụng, đổ vào túi tinh. Có hai túi tinh nằm ở bụng dưới, sát cạnh bọng đái, mỗi túi nhận tinh trùng của một tinh hoàn cùng bên. Từ hai túi tinh lại có ống dẫn đổ dồn vào niệu đạo (đường đi tiểu). Tinh trùng sẽ hoà lẫn với chất dịch sền sệt của các tuyến quanh niệu đạo tiết ra trở thành tinh dịch và sẵn sàng phóng ra ngoài qua bộ phận sinh dục nam.
Vì thế, ở con trai, từ tuổi dậy thì trở đi, thỉnh thoảng có một lần xuất tinh về ban đêm lúc đang ngủ (gọi là di tinh). Nếu xuất tinh có kèm theo giấc mơ về một cuộc “phiêu lưu” nào đó thì gọi là mộng tinh. Tuy vậy, phần lớn tinh trùng được sinh ra nếu không phóng ra ngoài cũng sẽ tự tiêu đi.
Trình bày sơ lược như trên, các bạn mới chỉ thấy một phần khác nhau của sự sinh sản hai dòng tế bào sinh dục nam và nữ.

Ở dòng tế bào sinh dục nữ, các tế bào tuy gọi là “mầm” ở buồng trứng đã chuyển dạng ngay khi còn là bào thai. Chúng không còn ở dạng mầm nguyên thuỷ như ở người con trai. Do đó, số lượng tế bào sinh dục nữ tuy rất đông nhưng vẫn chỉ là con số hữu hạn, mỗi ngày một giảm đi chứ không sinh sản để luôn luôn tồn tại như tế bào sinh dục nam. Vì thế khi người đàn bà đến một tuổi nào đó, các tế bào sinh dục cạn kiệt.
Trong quá trình phân chia giảm TNS, tế bào trưởng thành (trứng) luôn luôn chỉ có một. Chị em sinh ra cùng với trứng là cực cầu 1 và cực cầu 2 tuy có nửa số TNS nhưng không tồn tại và không có hoạt động gì.
Trong khi ở dòng tế bào sinh dục nam, các tế bào mầm có từ trong bào thai đến lục dậy thì hầu như không hoạt động. Từ lúc dậy thì trở đi đến khi người đàn ông chết, mỗi tế bào mầm này bắt đầu sinh sản: một thành hai. Trong hai tế bào đó, một ở lại giữ vai trò tế bào mầm, còn một đi vào quá trình sinh sản tiếp tục qua nhiều thế hệ. Những thế hệ sinh sản đầu giữ nguyên 46 TNS, về cuối mới phân chia giảm TNS. Những tế bào có 23 TNS này lại sinh ra các tế bào tương tư như nó qua hai thế hệ nữa. Tóm lại, một tế bào sinh dục mầm đến giai đoạn kết thúc đã tạo nên nhiều tinh trùng với bộ TNS 22X hoặc 22Y.
Về mặt lý thuyết thì số lượng tinh trùng mỗi loại tương đương nhau. Các tế bào sinh dục nam sinh ra không tế bào nào bị loại như các cực cầu của trứng. Do cách sinh sản đó ở nam giới không bao giờ cạn tế bào mầm. Nói cách khác, tinh trùng được sinh sản thường xuyên từ khi người đàn ông dậy thì đến già và chỉ sau khi chết mới ngừng sinh sản. Vì thế ở ngoài đời, người đàn bà đã ngoài 50 thì hầu như không còn khả năng sinh đẻ. Nhưng ở đàn ông, có cụ đã ngoài sáu, bảy mươi vẫn có thể sinh con. Các bạn có biết không? Nghe nói vua hề điện ảnh Sác-lô đến năm ngoài 70 vẫn có thêm con đấy!
Số lượng tinh trùng được sinh ra rất nhiều. Các bạn đừng ngạc nhiên khi nghe nói ở người đàn ông khoẻ mạnh, mỗi mililít tinh dịch có chưa toíư trên một trăm triệu tinh trùng. Mỗi lần phóng tinh, tuỳ lúc, tuỳ người, có thể từ 2-4 mililít, nghĩa là số tinh trùng phóng ra lên tới 200-400 triệu.
Về đời sống của tinh trùng, khi ở đường sinh dục nam, chúng có thể sống lâu khoảng một tháng, ra ngoài chúng dễ chết. Ở ngoài không khí, tinh trùng bị chết hết trong vài giờ (đoạn này hơi thắc mắc, mình tưởng ra ngoài không khí thì chết ngay sao lại trong vài giờ nhỉ ? :Thinking: )Ở đường sinh dục nữ, chúng sống được 1-2 ngày, tối đa 2-4 ngày. Nếu được bảo quản trong đông lạnh chúng có thể sống năm này qua năm khác.
Khi còn ở đường sinh dục nam, tinh trùng di chuyển chậm chạp, nhưng khi sang đường sinh dục nữ, chúng di chuyển nhanh hẳn lên, tốc độ có thể đạt từ 2 đến 5 milimét trong một phút.
Một trong những tinh trùng đó đã trở thành người “bạn đời” của tôi. Tôi cũng xin phép các bạn mô tả “anh ấy” chi tiết một chút.

Cũng như mọi tinh trùng khác, cơ thể người bạn đời của tôi gồm một cái đầu, một cái đuôi và giữa đầu với đuôi có phần rất ngắn gọi là cổ. Đầu anh ấy hình bầu dục, gần giống như một quả xoan, dài 5 micrômét. Trong đầu có một nhân khá to chưa 23 TNS và bộ TNS của anh ấy là 22Y. Cái đuôi thì rất dài, có thể ngoe nguẩy được rất nhanh, nhờ đó anh ấy có thể di chuyển dễ dàng từ nơi này đến nơi khác. Về đại thể, các bạn có thể thấy anh ấy giống như con nòng nọc.
Để các bạn có ý niệm cụ thể hơn, tôi xin thêm là chiều dài của anh tính từ đầu đến phần chót khấu đuôi đo được 50 micrômét, nghĩa là bằng một phần hai mươi của một milimét mà thôi. So với tôi, người bạn đời của tôi nhỏ bé hơn nhiều. Tôi đã quên không tự giới thiệu kích thước của mình nên ở đoạn này xin nói luôn để các bạn so sánh cho dễ: Tôi hình tròn, có đường kính gần 150 micrômét (tức 0,15 milimét). Như vậy, so với chiều dài toàn bộ cơ thể anh ấy tôi lớn hơn ba lần và so với phần đầu, phần quan trọng nhất của anh thì tôi lớn hơn tới ba mươi lần.
Xin tạm biệt các bạn và xin hẹn ở phần sau tôi sẽ kể về cuộc sống ban đầu của chúng tôi.

 

(Theo Phó Đức Nhuận, Từ cái trứng đến một con người, NXB Y học, 1999)