NHUNG HƯƠU

Cornu Cervi Pantotrichum

Là sừng non của hươu đực. Sừng mới mọc thường rất mềm, mặt ngoài phủ đầy lông, bên trong chứa nhiều mạch máu và mô sụn, sờ vào êm mịn như nhung nên được gọi là nhung hươu.

Sừng hươu nai là cấu trúc duy nhất của động vật có vú có khả năng tái sinh trọn vẹn nhiều vòng; hàng năm, chúng rụng đi và tái sinh từ tế bào gốc đa năng của vùng chuyên biệt của xương trán để tạo thành sừng mới lớn hơn, phức tạp hơn. Bộ phận này có thể mọc hoàn chỉnh trong khoảng 3-4 tháng và với tốc độ ấy, nó trở thành loại mô sống tăng trưởng nhanh nhất. Chu kỳ tái sinh hàng năm của sừng có liên quan chặt chẽ với chu kỳ sinh sản. Tác nhân kích hoạt điều chỉnh mọc sừng chính là sự thay đổi nồng độ steroid sinh dục, bằng chứng là trong thời kỳ sừng mọc có sự gia tăng testosterone trong tuần hoàn, sừng rụng khi nồng độ testosterone lưu thông giảm xuống. Tuy nhiên, vai trò điều hòa lại thuộc về estrogen, các nghiên cứu cho thấy estrogen ngoại sinh hoạt động như một ‘phanh’, ức chế sự tăng sinh của tế bào mầm đa năng trong xương đầu hươu đồng thời kích thích sự biệt hóa của chúng, do đó ức chế sự tiếp tục phát triển. Giải mã cơ chế mà steroid sinh dục điều chỉnh sự tiến triển của chu kỳ tế bào và sự biệt hóa tế bào trong nhung có thể giúp giải quyết lý do tại sao sự tái sinh bị hạn chế ở các mô khác của động vật có vú.Sự phát triển của nhung rất nhanh – một con hươu đỏ trưởng thành có thể tạo ra một cặp gạc nặng xấp xỉ 30kg trong ba tháng. Bí mật về khả năng tái tạo gạc của hươu nằm ở tế bào gốc đa năng trong “lãnh thổ tái sinh” của hươu. Điều này có thể gợi ý rằng với sự vận dụng thích hợp của môi trường, các tế bào đa năng trong các mô của động vật có vú trưởng thành khác có thể được kích thích để tăng khả năng chữa bệnh của các cơ quan, ngay cả khi chúng không tái tạo hoàn toàn. 

Có nhiều loại nhung hươu, chất lượng phụ thuộc vào thời điểm thu hoạch, giống hươu, khí hậu, thổ nhưỡng…

Huyết nhung: Là nhung hươu được cắt khi sừng non chuẩn bị phân nhánh ở những con hươu từ 3 tuổi trở lên. Loại này có đặc điểm là thân nhung ngắn, mềm, mọng máu, da hồng, đầu tù, chưa phân nhánh, lông rất mịn và thưa. Ðây là loại nhung tốt nhất.

Nhung hươu yên ngựa: Là loại sừng non bắt đầu phân nhánh nhưng nhánh còn ngắn, chỗ phân nhánh bên dài bên ngắn như yên ngựa. Loại nhung này được đánh giá khá tốt vì đã phát triển đầy đủ nhưng chưa phân hóa thành sừng.

Nhung hươu chìa vôi: Là sừng non mới mọc của những con hươu dưới 3 tuổi nên kích thước nhỏ (khi sấy khô chỉ có trọng lượng khoảng 40 – 50g), chất lượng nhung thấp chỉ ngang nhung hoẵng.

Nhung hươu gác sào: Đây là loại nhung hươu đã già, lúc này sừng con hươu đã phân nhánh, lông cứng và dày. So với các loại trên thì sản phẩm nhung gác sào có chất lượng kém nhất.

Các nghiên cứu y học hiện đại cho thấy: nhung hươu có tác dụng chống lão hóa, điều hòa miễn dịch, kích thích quá trình sinh tinh, trì hoãn mệt mỏi, chống loãng xương, chống huyết khối, chống ung thư, chống viêm…

Thành phần hóa học chính trong nhung hươu gồm protein, axit amin, khoáng chất, lipid, polypeptit, polysaccharid, phospholipid và các nguyên tố vi lượng bao gồm Ca, P, K, Al, Zn, Cu và Fe.., steroid tự nhiên như testosterone, androsterone, oestradiol và progesterone…

Theo các tài liệu y học cổ truyền, nhung hươu tính cam, hàm, ôn. Quy kinh thận, can. Có tác dụng bổ thận dương, ích tinh huyết, mạnh gân cốt, trừ nhọt độc. Chủ trị liệt dương, di hoạt tinh, tử cung lạnh khó thụ thai, tinh thần mệt mỏi, sợ lạnh chân tay lạnh, chóng mặt, tai ù, trẻ chậm liền thóp, lưng gối đau lạnh, cân cốt mềm yếu, rong huyết, nhọt lâu ngày không liền miệng…

Cách dùng, liều lượng: ngày dùng từ 1g đến 2 g, tán bột hòa vào nước thuốc uống. Đầu tiên uống liều nhỏ rồi sau đó tăng dần, không nên uống ngay liều lớn. Kiêng kỵ: Thực nhiệt, âm hư dương thịnh không dùng độc vị