LỘC GIÁC GIAO Colla cornus Cervi

Còn gọi là cao ban long, cao sừng hươu, bạch giao

Được nấu từ gạc (sừng già) hươu nai, đã hoá xương hay gốc sừng (giác cơ) rụng xuống sau khi đã cưa lấy nhung, mỗi sừng có số chi từ 2 hay 3 hoặc nhiều hơn. Gạc nai Mông Cổ thì đứng thẳng, mỗi chiếc nặng có thể trên 7 kg, có 7 chi mỗi bên, gạc này nấu thì được cao vàng.

Để có cao tốt, phải chọn được loại gạc tốt (gạc có đế lồi ra, màu vàng ngà, đặc là loại tốt; Gạc có đế lõm vào, gạc xốp, gẫy, dập là thứ xấu; Gạc bị nứt, dập đen thì độc, không dùng). Chất lượng gạc cũng khác giữa các vùng địa lý: Đông Nam Á, Châu Á, Châu Phi, châu Âu, vì thế chất lượng cao cũng như hiệu quả trong điều trị hoặc bồi bổ sức khỏe cũng rất khác nhau.

Theo các tài liệu y học cổ truyền ban long vị ngọt, hơi mặn, hơi đắng, tính ôn, không độc. Quy kinh thận, tâm, can và tâm bào.

Là vị thuốc có nhiều tác dụng như:Ích tinh và hoạt huyết, ích khí và bổ trung, an thai, mạnh gân cốt, phòng suy nhược và bồi bổ cơ thể, trừ nhọt độc…

Cao ban long chứa những hoạt chất có lợi như: Lencin, Cystein, Acid Glutamic, Tyrosin, Arginin, Lysin, muối Canxi…Trên lâm sàng đuợc dùng để bồi bổ sức khỏe, chữa yếu sinh lý, di tinh, di niệu, rong kinh rong huyết, thổ huyết, khó thụ thai, động thai, đau lưng mỏi gối đau nhức xương khớp, ù tai, nhọt lâu ngày không liền miệng, cơ thể suy nhược…

Liều dùng: Ngày dùng 4 – 5g. Cắt thành từng miếng nhỏ để nhai hay ngậm hoặc có thể hoà với rượu hay ăn cháo đường. Có thể hoà cao ban long (1 phần) vào nước sắc long nhãn (5 phần) để uống vào lúc sáng sớm và tối trước khi đi ngủ (Lãn Ông). Người có tuổi nên dùng chung với mật ong trước khi đi ngủ.

Kiêng kỵ

Người thực nhiệt hoặc âm hư nội nhiệt không dùng.