Từ cái trứng đến một con người – phần 1

1. THỜI THƠ ẤU

Thưa các bạn!

Trước hết cho phép tôi được giới thiệu tôi là Trứng. Nhưng để cho rõ và để các bạn đừng hiểu lầm tôi là cái trứng gà hay trứng cóc nên phải nói thêm: tôi là cái trứng người.
Như vậy là tên của tôi có thể lẫn lộn với nhiều tên trứng khác nhưng các bạn đừng tưởng đơn giản đâu nhé! Tôi có tên khoa học, tên dân gian và tuỳ giai đoạn phát triển, tôi còn mang nhiều tên khác nữa. Nhưng thôi, nói ra các bạn lại bảo rằng khoe và cũng chỉ làm cho rối thêm chứ chẳng được tích sự gì. Tóm lại, các bạn cứ gọi tôi là trứng cũng đủ lắm rồi.

Tôi được sinh ra rất sớm, ngay từ khi mẹ tôi mới hình thành được dăm bảy tuần lễ và lúc ấy mẹ tôi còn nằm trong bụng bà ngoại tôi cơ. Nơi sinh ra và cũng là “nhà” ở của tôi thời thơ cấu chính là buồng trứng của mẹ tôi. Mẹ tôi có những hai buồng trứng. Hai cơ ngơi này nằm ở hai bên chậu hông, kề sát hai bên một ngôi nhà to, rộng hơn mà người ta gọi là dạ con (hay tử cung), nơi sau này tôi đã có dịp di chuyển đến và cư trú tại đó gần hai trăm sáu chục ngày. Tôi sẽ kể về thời gian ở ngôi nhà này cho các bạn nghe sau, nhưng bây giờ cho tôi giới thiệu tiếp về bản thân và các chị em cùng sinh ra với tôi cái đã.


Cùng sinh với tôi có hàng triệu chị em khác cũng tôi. Các bạn chắc ngạc nhiên lắm phải không? Nhưng đúng như thế đấy vì ở hai buồng trứng của mẹ tôi khi bà mới được 5 tháng ở trong bụng bà ngoại đã có tới khoảng sáu triệu chị em trứng chúng tôi cơ mà. Chắc các bạn cũng lấy làm lạ khi tôi chỉ nói có chị em mà không nói đến anh em, vì tuy có hàng triệu nhưng chúng tôi lại cùng một giới cả. Trong “thân thể” chúng tôi lúc này có 44 mẫu thể nhiễm sắc (TNS) thường và một cặp gồm hai TNS đặc biệt gọi là cặp TNS giới tính. Tất cả họ hàng nhà trứng chúng tôi đều có cặp TNS giới tính là XX. Như vậy, chúng tôi chẳng cùng một giới “con gái” với nhau là gì (*).
(Ghi chú *: Trứng nói ở giai đoạn này còn ở dạng noãn bào nguyên thuỷ và noãn bào cấp I, chưa phân chia giảm thể nhiễm sắc).

Tuy tôi được sinh ra cùng hàng triệu chị em khác nhưng có điều đáng buồn là chúng tôi không chung sống với nhau đông đúc như thế được mãi. Ngay khi còn trong bụng mẹ và cả khi mẹ tôi cũng còn trong bụng bà ngoại thì một số lớn chị em tôi đã tự tiêu huỷ. Khi mẹ tôi được bà ngoại sinh ra, chị em chúng tôi chỉ còn lại hai triệu. Rồi trong quá trình lớn lên của mẹ, số chị em tôi vẫn tiếp tục tiêu biến. Lúc mẹ tôi 5-7 tuổi, chúng tôi chỉ còn lại khoảng hai trăm ngàn đến ba trăm ngàn và vẫn tiếp thục giảm số lượng (hình 1). Từ tuổi dậy thì của mẹ tôi, trung bình mỗi tháng chỉ có một trong số chị em chúng tôi lớn lên, phát triển đến giai đoạn hoàn chỉnh thì vẫn có khoảng vài chục chị em khác tiêu biến mất.

 

Thấy chị em mình cứ bị mất dần đi, tôi thương xót lắm những đã là quy luật thì biết làm sao! Trước lúc tiêu biến đi, các chị em này luôn mong mỏi cho tôi và số chị em còn lại tiếp tục tồn tại và phát triển. Tôi cũng tự nhủ nếu không tồn tại được trong buồng trứng của mẹ thì tôi cũng sẵn sàng tiêu đi như hàng triệu chị em khác, không để lại vết tích gì và không hề ân hận. Tôi cũng sẽ chúc cho số chị em còn lại mạnh khoẻ, phát triển bình thường. Có điều may mắn là tôi đã tồn tại và còn phát triển hoàn chỉnh đến tận cùng của luật tự nhiên nữa. Vì vậy, tôi mới có dịp hầu chuyện các bạn về đời tôi được.

Trong thời thơ ấu, cuộc sống của chị em chúng tôi tại hai buồng trứng của mẹ tôi thật buồn tẻ. Hàng triệu chị em tôi cứ nằm sát cạnh nhau, rải rác khắp các miền của vỏ buồng trứng, lúc nào cũng như ngủ thiếp đi, chẳng cần phân biệt sáng tối, cũng chẳng cần lớn lên làm gì. Có lúc chợt tỉnh, nhìn ra chung quanh thấy nhiệu chị em trước đây ở gần với tôi đã biến mất rồi. Giấc ngủ triền miên đó kéo dài suốt từ khi chúng tôi ra đời trong buồn trứng của mẹ đến khi mẹ tôi lớn lên tới tuổi dậy thì, nghĩa là cũng phải mất tới 15 năm.
Đến lúc này, tại “ngôi nhà” chúng tôi ở là hai buồng trứng đột nhiên có nhiều thay đổi, chị em chúng tôi sẽ lần lượt bước vào cuộc đời mới, mỗi người một khác, chẳng ai giống ai nữa.

Tạm biệt các bạn và tôi cũng vĩnh biệt thời thơ ấu buồn tẻ của mình.

(Theo Phó Đức Nhuận, Từ cái trứng đến một con người, NXB Y học, 1999)