a) Nguyên nhân
– Chủ yếu do vi khuẩn:
Ở nam giới < 35 tuổi, hầu hết các trường hợp là do tác nhân lây truyền qua đường tình dục, đặc biệt là Neisseria gonorrhoeae hoặc là Chlamydia trachomatis. Nhiễm trùng có thể bắt đầu bằng viêm niệu đạo.
Ở nam giới > 35 tuổi, hầu hết các trường hợp đều do trực khuẩn đường ruột gram âm và thường xảy ra ở những bệnh nhân có bất thường đường niệu, đặt ống thông đường tiểu lưu cữu, hoặc các can thiệp thủ thuật tiết niệu gần đây.
Viêm mào tinh hoàn do lao và gôm giang mai là hiếm gặp, trừ những bệnh nhân suy giảm miễn dịch (ví dụ như nhiễm HIV).
– Viêm mào tinh hoàn không do vi khuẩn:
Các nguyên nhân viêm mào tinh hoàn do virut (ví dụ như cytomegalovirus) và do nấm (ví dụ như nhiễm nấm actinomycosis, blastomycosis) là rất hiếm trừ những bệnh nhân suy giảm miễn dịch (ví dụ bệnh nhân nhiễm HIV). Nguyên nhân của viêm mào tinh hoàn và viêm mào tinh hoàn-tinh hoàn không do nhiễm trùng có thể là do kích ứng hoá chất, thứ phát do trào ngược nước tiểu vào trong mào tinh hoàn, điều này có thể xảy ra khi làm nghiệm pháp Valsalva (ví dụ như nâng nặng) hoặc sau chấn thương tại chỗ.
b) Triệu chứng
Đau bìu có thể rất nặng và đôi khi lan lên bụng.
Trong viêm mào tinh hoàn do vi khuẩn, bệnh nhân có thể sốt, buồn nôn, hoặc có các triệu chứng đường tiểu. Chảy mủ niệu đạo có thể xuất hiện nếu nguyên nhân là viêm niệu đạo.
Khám: Da bìu đỏ, bìu sưng to, sờ thấy mào tinh sưng tấy, xơ cứng, đau khi sờ nắn, và sung huyết của một phần hoặc toàn bộ mào tinh hoàn, và đôi khi tình trạng này xảy ra ở cả tinh hoàn nằm bên cạnh mào tinh hoàn bị viêm.
Dấu hiệu Prehn: Bìu đau do viêm mào tinh thường giảm khi ta nâng tinh hoàn
lên cao
Nhiễm khuẩn huyết được gợi ý bởi sốt, nhịp tim nhanh, hạ huyết áp và xuất hiện dấu hiệu nhiễm độc.
Soi dịch niệu đạo và nuôi cấy nước tiểu tìm thấy vi khuẩn gây bệnh
Siêu âm trắng đen: viêm mào tinh cấp tính có hình ảnh mào tinh lớn ra và giảm âm, hình ảnh tràn dịch tinh mạc phản ứng (hình 10). Viêm mào tinh mạn tính sẽ trở nên dày lên và có những vùng tăng âm khu trú do bị calci hóa.
Doppler màu cho thấy hình ảnh tăng lưu lượng máu thứ phát do viêm mào tinh. Sự hiện diện của tình trạng tăng lưu lượng máu ở bên viêm so với bên lành giúp chẩn đoán phân biệt với xoắn tinh hoàn.
Chỗ bị viêm gia tăng kích thước, hồi âm kém hoặc kém không đồng nhất, tăng tưới máu
c) Điều trị
- Kháng sinh
- Các biện pháp hỗ trợ
Điều trị viêm mào tinh hoàn gồm có nghỉ ngơi tại giường, nâng cao bìu (ví dụ dùng quần lót đặc biệt hỗ trợ cơ quan sinh dục khi đứng thẳng) để giảm các cọ xát, làm nhẹ các va chạm, trườm lạnh bìu, dùng thuốc giảm đau chống viêm và kháng sinh phổ rộng như ciprofloxacin 500 mg uống 2 lần/ngày hoặc levofloxacin 500 mg uống một lần/ngày trong 21 đến 30 ngày. Điều trị thay thế,có thể dùng doxycycline 100 mg uống 2 lần mỗi ngày hoặc trimethoprim/sulfamethoxazole (160/800 mg) uống 2 lần mỗi ngày.
Nếu nghi ngờ nhiễm trùng huyết, kháng sinh nhóm aminoglycosid như tobramycin 1 mg/kg tiêm tĩnh mạch mỗi 8 giờ hoặc cephalosporin thế hệ 3 như ceftriaxone 1 đến 2 g tiêm tĩnh mạch 1 lần/ngày có thể hữu ích cho đến khi biết được vi khuẩn gây nhiễm và tính nhạy cảm của chúng.
Áp xe và tràn mủ màng tinh hoàn thường phải phẫu thuật để dẫn lưu.
Viêm mào tinh hoàn thứ phát tái đi tái lại do viêm niệu đạo mạn tính hoặc viêm tuyến tiền liệt đôi khi có thể được ngăn ngừa bằng cách thắt ống dẫn tinh. Việc cắt bỏ mào tinh hoàn đôi khi được thực hiện cho bệnh nhân bị viêm mào tinh hoàn mạn tính, có thể không làm giảm các triệu chứng.
Những bệnh nhân phải đặt lưu ống thông tiểu thường có xu hướng bị viêm mào tinh hoàn và viêm mào tinh hoàn-tinh hoàn tái phát. Trong nhiều trường hợp như vậy, việc đặt ống thông bàng quang trên xương mu hoặc thiết lập việc tự đặt ống thông tiểu có thể hữu ích.
Điều trị viêm mào tinh hoàn không do vi khuẩn bao gồm các biện pháp chăm sóc nói chung, nhưng việc điều trị bằng các thuốc kháng vi sinh vật không được chắc chắn. Phong bế thần kinh của thừng tinh bằng cách gây tê tại chỗ có thể giảm các triệu chứng trong trường hợp nặng hoặc trường hợp bệnh dai dẳng