Giải pháp nào cho tăng sản lành tính tuyến tiền liệt?

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, nam giới từ 40 tuổi thường bị tăng sản lành tính tuyến tiền liệt (TSLTTLT), tỷ lệ này lên đến 88% ở những người 80 tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh và mức độ trầm trọng của bệnh thường gia tăng theo độ tuổi.

Thuật ngữ TSLTTTL hiện nay được sử dụng thay cho các tên gọi trước đây như phì đại lành tính tuyến tiền liệt, bướu lành tuyến tiền liệt, u xơ tuyến tiền liệt… Bệnh tuy không phải là ác tính nhưng lại gây ra một số triệu chứng rối loạn về tiểu tiện làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, việc phát hiện và điều trị sớm sẽ tránh được những biến chứng.

Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh.

TSLTTTL có thể phát triển từ từ trong một thời gian dài mà không gây nên bất kỳ sự nguy hiểm nào. Tuy nhiên, vì tuyến tiền liệt bao quanh niệu đạo sau nên khi tăng sản gây chèn ép sẽ cản trở dòng nước tiểu từ bàng quang xuống niệu đạo, làm xuất hiện các triệu chứng rối loạn tiểu tiện. Nếu nặng có thể gây bí tiểu mạn tính dẫn đến viêm bàng quang, viêm đường tiết niệu, thậm chí suy thận. Người bệnh cần đi khám khi xuất hiện triệu chứng rối loạn tiểu tiện hoặc bí tiểu cấp.

Mặc dù chưa biết rõ nguyên nhân của TSLTTTL, cũng như chưa xác định được các yếu tố nguy cơ. Tuy nhiên, người ta đã biết bệnh chủ yếu gặp ở những người đàn ông lớn tuổi và không gặp ở những người đã cắt bỏ tinh hoàn trước tuổi dậy thì. Vì vậy, nhiều nhà nghiên cứu chuyên ngành tin rằng TSLTTTL có liên quan đến tuổi già, rối loạn các nội tiết tố sinh dục, quá trình viêm nhiễm mạn tính tại tuyến… có thể đã thúc đẩy quá trình phát triển của TSLTTTL.

Theo Đông Y, TSLTTTL được mô tả trong phạm vi chứng “lung bế”, bệnh phát sinh do rối loạn chức năng khí hóa nước của bàng quang, thận, tỳ, phế và tam tiêu, đặc biệt là thận khí, thận dương vì thận chủ về khí hóa nước, thận chủ nhị tiện, thận chủ thủy chủ về sự đóng mở, bàng quang chủ chứa nước tiểu, ban đêm âm thịnh dương suy nên nếu dương khí suy yếu sẽ gây tiểu đêm, tiểu nhiều lần. Bệnh thường nặng lên khi gặp nhiễm lạnh, lao động quá sức, ẩm thực bất điều. Bệnh bản hư, tiêu thực.

Điều trị bằng giải pháp nào?

Không phải tất cả các bệnh nhân bị TSLTTTL đều phải điều trị, chỉ điều trị khi xuất hiện các rối loạn tiểu tiện ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Lựa chọn phương pháp điều trị như thế nào tùy thuộc vào nhiều yếu tố, chủ yếu là các dấu hiệu rối loạn tiểu tiện, ít căn cứ vào trọng lượng và kích thước tuyến.

Dùng thuốc tân dược

Có nhiều loại thuốc có thể cải thiện khả năng đi tiểu do làm giãn cơ trơn cổ bàng quang, hoặc thuốc làm nhỏ kích thước tuyến, do vậy, làm tiểu tiện dễ dàng vì cổ bàng quang và niệu đạo dễ mở rộng khi đi tiểu, làm bệnh chậm tiến triển và tăng chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, những thuốc này cũng gây một số tác dụng phụ như tụt huyết áp tư thế đứng, giảm ham muốn tình dục, các vấn đề về cương dương hay phóng tinh.

Điều trị ngoại khoa

Khi có rối loạn tiểu tiện nặng hoặc biến chứng, điều trị bằng thuốc không kết quả phải áp dụng phương pháp cắt bỏ phần tuyến tăng sản chèn ép vào niệu đạo, để nguyên phần mô còn lại và vỏ bao phía ngoài tuyến. Có thể mổ nội soi qua ngả niệu đạo hoặc phẫu thuật mổ mở khi tuyến tiền liệt quá to. Nhược điểm của phương pháp này là bệnh có thể tái phát sau một thời gian, rối loạn xuất tinh như xuất tinh ngược vào bàng quang, rối loạn cương dương… Những rối loạn này có thể hồi phục sau một thời gian thường sau khoảng một năm sau phẫu thuật.

Dùng thuốc thảo dược

Hiện nay trên thế giới việc sử dụng các thuốc có nguồn gốc thảo dược điều trị TSLTTTL đang được nhiều thầy thuốc và bệnh nhân lựa chọn vì các loại thảo dượccó thể cải thiện được các rối loạn đường tiểu nhưng không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống thậm chí còn tăng cường sức khỏe nói chung. Tùy từng thể bệnh có thể sử dụng các cây thuốc, bài thuốc khác nhau. TSLTTTL có tồn dư nước tiểu trong bàng quang, vì vậy dễ bị tiểu buốt dắt có thể uống trinh nữ hoàng cung vì cây thuốc có tác dụng hành huyết tán ứ, ntiêu thũng chỉ thống, thanh nhiệt giải độc.TSLTTTL xuất hiện đái khó, bí đái có thể dùng bài Huyết phủ trục ứ thang…

Chế độ ăn uống và sinh hoạt

Ngoài ra có nhiều phương pháp hỗ trợ điều trị khác cũng được chứng minh có hiệu quả và hỗ trợ trong điều trị như: giảm hoặc bỏ rượu và càfê, ngâm nước ấm toàn bộ vùng chậu hông kết hợp xoa bóp tầng sinh môn hàng ngày. Uống đủ nước, nhất là mùa hè nhưng luôn nhớ là ưu tiên uống vào ban ngày, uống từng lượng nhỏ, sau 19 giờ nên hạn chế uống nước hoặc ăn các loại đồ ăn nhiều nước tránh đi tiểu nhiều cả đêm, làm mất ngủ ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Lời khuyên: Khi bị TSLTTTL ở giai đoạn đã ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, nên đến các cơ sở chuyên khoa để được tư vấn, thăm khám và điều trị phù hợp.

 

Ts, Bs. Đoàn Minh Thụy

Comments are closed.